Mỹ cân nhắc tăng mức giá áp trần với dầu Nga
Theo Bloomberg, động thái thay đổi kế hoạch áp trần giá dầu Nga của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra sau khi Washington không tìm được sự đồng thuận từ các quốc gia khác về vấn đề này.
Thay vì siết chặt doanh thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin bằng cách áp đặt giá trần ở mức tối thiểu đối với bất kỳ khách hàng nào mua dầu Nga, giờ đây Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có khả năng sẽ thiết lập lại một mức giá cao hơn nhằm giúp thị trường ổn định. Tuy nhiên hiện chỉ mới có các nước G7 và Australia cam kết tuân thủ áp giá trần dầu Nga.
Được biết, Hàn Quốc đã trao đổi riêng với G7 rằng họ có kế hoạch tuân thủ biện pháp mới này. Mỹ cũng được cho là đang tìm cách "lôi kéo" sự đồng thuận của New Zealand và Na Uy.
Tuy nhiên, các khách hàng lớn của Nga như Ấn Độ và Trung Quốc cho biết sẽ không tham gia.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Washington sẽ giữ mức áp giá trần dầu Nga càng thấp càng tốt để đạt được mục tiêu chính là giảm dòng tiền của Moscow. Nhưng hiện tại, các quan chức liên quan đến kế hoạch đang thảo luận về một mức giới hạn cao hơn.
Ở chiều ngược lại, một số quan chức EU tin rằng việc Mỹ nâng hạn mức áp giá trần dầu Nga sẽ không làm thay đổi tình hình mà còn khiến Điện Kremlin tiếp tục thu về doanh thủ khủng từ việc bán dầu.
Theo Bloomberg, Nga đã thu về khoảng 15 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ vào tháng 9/2022.
Giá dầu thô Brent đang được giao dịch quanh mức 96 USD/thùng trong phiên giao dịch 26/10, nhưng trước đó từng tăng lên 139 USD vào đầu tháng 3. Việc giá nhiên liệu liên tục biến động trong năm nay đã làm giảm tính thanh khoản trên thị trường hàng hóa, điều này khiến giá cả biến động mạnh hơn.
Theo dữ liệu từ cơ quan báo cáo giá Argus Media, giá giao hàng trung bình đối với dầu thô Urals, một mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, là 63 USD/thùng trong 3 năm qua, nhưng đã đạt trung bình khoảng 74 USD/thùng tính đến cuối tuần trước.
Quyết định cuối cùng về mức giá áp trần đối với dầu mỏ Nga có thể sẽ được Mỹ đưa ra vào ngày 5/12, thời điểm các lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực đối với các dịch vụ như bảo hiểm, môi giới và hỗ trợ tài chính liên quan đến việc vận chuyển dầu của Nga đến các khách hàng quốc tế.
Trong khi đó, EU đặt mục tiêu thiết lập giới hạn giá vào hôm 25/11, khoảng 10 ngày trước khi các lệnh trừng phạt mới của khối bắt đầu áp dụng đối với các dịch vụ vận chuyển dầu của Nga.
Khánh Lê
Theo Bloomberg