Lọc Hóa dầu Bình Sơn báo lãi quý 3 giảm nhẹ
Cụ thể, trong quý 3/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của BSR đạt 39.567 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng 128% lên 38.913 tỷ đồng khiến biên lợi nhuận gộp của đơn vị này giảm từ 3,64% xuống còn 1,65%.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 18,9% lên 345,5 tỷ đồng, chủ yếu tới từ lãi tiền gửi ngân hàng tăng và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 60,9% và 12,45% trong khi chi phí bán hàng giảm 24,6% so với quý 3/2021.
Kết thúc quý 3, BSR ghi nhận lợi nhuận sau thuế 455 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 478,6, tăng nhẹ so với quý 3/2021, EPS giữ nguyên ở mức 154 đồng.
Dù quý 3 chững lại về mặt lợi nhuận, kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 vẫn là rất ấn tượng. Cụ thể, doanh thu của BSR đạt 126.716,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 12.899,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 90,3% và 222,6% so với cùng kỳ. Với kết quả này, BSR đã vượt 38% kế hoạch doanh thu và 8,96 lần chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của BSR tại ngày 30/9 là 74.243 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với hồi đầu năm. Cấu phần tài sản chính là tiền và các khoản tương đương tiền 19.140 tỷ đồng, tài sản cố định 18.516 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn của khách hàng 12.769 tỷ đồng, hàng tồn kho 14.477 tỷ đồng...
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty giảm hơn 15% về còn 24.821,3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn 9.452 tỷ đồng, thuế và các khoản nộp nhà nước 4.763 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 3.854,2 tỷ đồng…
Công ty Cổ phần Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (BSR) được thành lập năm 2008. BSR chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và giao dịch trên thị trường UPCoM từ năm 2018. Công ty là đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày, công ty hiện chiếm khoảng 30% nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BSR từng chứng kiến đà tăng mạnh từ vùng giá 18.500 đồng/CP hồi đầu tháng 5 lên đỉnh lịch sử 31.800 phiên 16//6. BSR sau đấy giảm chung cùng thị trường, chốt phiên 26/10, thị giá BSR giảm 0,6% về còn 17.400 đồng/CP, tương đương vốn hóa 53.948,7 tỷ đồng.
Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở các tỉnh thành phía Nam treo biển ngừng bán vì bị gián đoạn nguồn cung. Lọc dầu Bình Sơn cho biết với vai trò đảm bảo hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã triển khai một loạt biện pháp để góp phần bình ổn thị trường.
Nhiều năm qua, nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn duy trì hoạt động ở mức hơn 100% công suất để đảm bảo cung ứng xăng dầu ra thị trường trong điều kiện kỹ thuật an toàn, vận hành đảm bảo. Tại thời điểm này, để đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa tăng cao, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất vận hành nhà máy lên 107%, đẩy mạnh việc chế biến dầu thô nguyên liệu, kịp thời cung cấp cho các đối tác phân phối sản phẩm.
Ông Cao Tuấn Sĩ, Phó Giám đốc nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết: "Hiện tại nhà máy đang vận hành an toàn, ổn định ở 107% công suất. Sắp tới, theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu của Bộ Công thương, nhà máy có thể hoạt động ở mức trên 110% công suất, góp phần ổn định thị trường đang có nhiều biến động".
Minh Phong