Loạt doanh nghiệp vận tải biển lãi lớn bất chấp cước vận tải giảm
Hiện tại, cước vận tải biển có xu hướng lao dốc. Ước tính hiện nay, giá cước vận tải biển cho các tuyến quốc tế đã tụt khoảng 60% so với thời điểm đầu năm 2022. Trong khi đó với thị trường nội địa, giá cước ước tính cũng giảm khoảng 15-20%.
Thị trường vận tải biển cuối năm được các chuyên gia đánh giá không mấy tích cực. Theo SSI Research, tình xấu đi nhanh chóng theo xu hướng kinh tế toàn cầu. Sản lượng vận tải biển đã giảm tốc, trong khi giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2023.
Trước những khó khăn, nhiều doanh nghiệp vận tải biển vẫn có kết quả kinh doanh tích cực. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của “anh cả đỏ” vận tải biển CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho thấy lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 199,05 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí thuế, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 154,1 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 566,2 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã bù được hết số lỗ lũy kế.
Vosco cho biết trong 9 tháng đầu năm, thị trường vận tải biển diễn biến khó lường nhưng nhìn chung, mặt bằng cước được duy trì ở mức tương đối tốt. Doanh nghiệp đã ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho một số tàu hàng khô. Thị trường tàu container cũng khởi sắc hơn so với cùng kỳ nên 2 tàu container hoạt động hiệu quả hơn.
Thị trường tàu dầu sản phẩm sau khi gặp nhiều khó khăn trong quý 1, đã khởi sắc trong quý 2 và đặc biệt quý 3. “Từ cuối quý 2 trở đi, kết quả kinh doanh của đội tàu dầu có hiệu quả khá cao, đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận chung của công ty”, đại diện Vosco cho hay.
Bên cạnh đó, công ty này còn có thêm doanh thu từ 2 tàu dầu sản phẩm Đại An và Đại Phú, là các tàu mà doanh nghiệp này thuê để quản lý và khai thác theo hình thức thuê tàu trần từ nửa cuối năm 2021.
Tương tự, CTCP Vận tải biển Vinaship cũng có kết quả hết sức khả quan. Báo cáo tài chính quý III năm 2022 của Vinaship ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 79,59 tỷ đồng và tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 63,7 tỷ đồng, giảm hơn 7%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 273 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco cũng kinh doanh ấn tượng khi thị trường tàu dầu có sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua. Kết quả kinh doanh hợp nhất của doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận tổng lợi nhuận trước thuế đạt 30,34 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí thuế, lợi nhuận sau thuế của Vitaco là 23,83 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đại diện Vitaco, doanh thu quý III của doanh nghiệp này tăng 97.67 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 44.28% so với cùng kỳ “chủ yếu là do cước thuê tàu định hạn và hoạt động khai thác tàu ven biển đều tăng so với Quý III/2021 (thời điểm phong tỏa do Covid-19). Đồng thời, lợi nhuận sau thuế cũng tăng hơn 25 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu do cước thuê tàu định hạn tăng.
Công ty CP Vinafco cũng ghi nhận mức lợi nhuận tích cực trong quý III bất chấp vận tải có nhiều biến động. Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế tăng 50,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Vinafco lý giải, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh tăng so với cùng kỳ năm trước do ngành dịch vụ vận tải có sự gia tăng cả về doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính tăng, cũng như chi phi tài chính giảm nên đạt được hiệu quả tốt.
Hồ An