Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn
Nhiều đại biểu đặt ra nhiều vấn đề trong phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại hội trường Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chiều 27/10.
Theo đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng), việc nền kinh tế phục hồi, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó bao gồm nguồn vốn.
Hiện nay, hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào 2 nguồn vốn. Thứ nhất là nguồn vốn bên trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 20-30%, thứ hai là nguồn vốn vay bên ngoài chiếm 70-80%.
Trong khi tiềm lực các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế, để bảo đảm có nguồn vốn cho vay trung và dài hạn thì các ngân hàng buộc phải đi vay các nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Điều này chứa đựng nhiều nguy cơ lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Về phía doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao cùng với chi phí vốn cao dẫn đến sinh lời thấp.
Mặt khác, việc phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay của ngân hàng khiến doanh nghiệp dễ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc bị gián đoạn.
Đại biểu Tô Ái Vang đề xuất, thời gian tới, cần tiếp tục hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ.
Chính phủ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ vận tải, du lịch; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển khu công nghiệp…
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, Chính phủ cần xem xét phương án huy động tổ chức tài chính vi mô vào hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Về lãi suất cần linh hoạt hơn trong xét hồ sơ cho vay, đặc biệt với hộ kinh doanh nhỏ chưa có giấy phép kinh doanh; đồng thời, mở rộng đối tượng cho vay.
Hiện nhiều doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực nên xét lĩnh vực này được hỗ trợ lĩnh vực khác lại không, hay có chính sách hỗ trợ lãi suất bao gồm ngoại tệ, nhất là đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Tới nay gần 4 tháng triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh,, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.500 tỷ với gần 600 khách hàng. Đây là những con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra trước đó.
Về phía Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nới trần tín dụng để ngân hàng thương mại tiếp tục có nguồn cho vay, chỉ khi vốn vào khu vực kinh tế thực mới hình thành hàng hóa, dịch vụ, tạo ra giá trị cho nền kinh tế.
Trong trường hợp có chính sách khuyến khích, nếu giải ngân hết nguồn vốn năm nay sẽ được cấp thêm tín dụng cho năm sau.
Đối với ngân hàng thương mại cũng cần đơn giản hóa thủ tục cho vay nhưng bảo đảm kiểm soát dòng tiền không đi vào phi sản xuất kinh doanh, từ đó có thể mới giải quyết được nợ đọng vốn của doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, sau 2 năm đại dịch, nợ của các doanh nghiệp đang đặt ra thách thức rất lớn. Đặc biệt, sang năm 2023, thời hạn các gói hỗ trợ chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua. Thêm vào đó là thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đặt giả thiết, nếu trường hợp kinh tế rơi vào khủng hoảng sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp rơi vào phá sản. Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Theo đó, chính sách tài khóa ngược để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi nợ công vẫn trong mức kiểm soát, khoảng 60%.
Mặt khác, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, Chính phủ dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; trong đó, có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là công nghiệp đường sắt, hậu cần vận tải biển, công nghiệp thông tin phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.
Đối với hoạt động của tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, thời gian tới cần đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nhanh các doanh nghiệp kém hiệu quả.
Cùng với đó, phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hướng đến các công trình dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí… Hiện cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu./.
Ngọc Quỳnh - Diệp Anh/BNEWS/TTXVN