Kinh tế thế giới nổi bật (21-27/10): EU loay hoay tìm cách áp giá trần khí đốt, Mỹ lại cấm cửa hàng hóa Nga, Trung Quốc tăng tốc hút FDI
Kinh tế thế giới Nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần hơn tới suy thoái
Nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần hơn tới suy thoái, giữa bối cảnh các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế chủ chốt, trong khi các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng lãi suất để đẩy lùi đà tăng cao của lạm phát.
Một điểm tích cực là hầu hết các nền kinh tế lớn đang trong thời kỳ suy thoái hoặc đang tiến vào một cuộc suy thoái đều bắt đầu với tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp so với các đợt suy thoái trước đó. Cuộc thăm dò mới nhất ước tính khoảng cách giữa tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp của các nền kinh tế đang ở mức nhỏ nhất trong ít nhất bốn thập niên.
Mặc dù điều đó có thể làm giảm cường độ suy thoái và hầu hết những người được hỏi đều nói rằng đợt suy thoái tới tại các nền kinh tế chủ chốt sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không gây tổn thương quá sâu, song nó cũng có thể khiến lạm phát tăng cao lâu hơn so với dự kiến.
Michael Every, chiến lược gia toàn cầu tại ngân hàng Rabobank, cho biết “nguy cơ suy thoái toàn cầu" là những gì mọi người đang quan ngại và đã trở thành xu hướng chủ đạo trong các dự báo. Theo ông, tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng là một vấn đề, bởi vì nó như một chỉ báo “trì trệ”, và nếu tỷ lệ này càng duy trì lâu, các ngân hàng trung ương sẽ càng cảm thấy cần tiếp tục tăng lãi suất".
Trong số 22 ngân hàng trung ương được Reuters thăm dò ý kiến lần này, chỉ có 2 ngân hàng dự kiến đạt mục tiêu lạm phát vào cuối năm 2023. Đó là sự thụt lùi so với các cuộc khảo sát vào tháng Bảy năm nay, khi mà 2/3 trong số 18 ngân hàng tham gia khảo sát dự kiến sẽ đạt được các mục tiêu lạm phát của họ vào cuối năm sau.
Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại mức 2,3% vào năm 2023, từ mức dự báo trước đó là 2,9%, trước khi phục hồi lên 3% vào năm 2024. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nhôm của Nga.
Cụ thể, Nhà Trắng đang cân nhắc 3 phương án lựa chọn: áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nhôm của Nga, tăng mạnh thuế và các biện pháp trừng phạt đối với Công ty nhôm Rusal của Nga. Ngay sau khi có tin này, giá nhôm tăng tới 8,5% lên 2.400 USD/tấn trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME). (Bloomberg)
Kinh tế Trung Quốc
* Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng với tốc độ hai con số trong tháng 9/2022 và là tháng thứ ba liên tiếp, đối nghịch với xu hướng nhu cầu bên ngoài yếu trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo đó, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga trong tháng 9/2022 đã tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy tốc độ tăng có chậm hơn so với mức tăng 26,5% trong tháng 8/2022, nhưng cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của Trung Quốc là 5,7%.
Hợp tác với Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng đối với Nga. Thương mại song phương đã tăng 31,5% lên 136,09 tỷ USD trong 9 tháng qua. (Reuters)
* Ngày 25/10, Trung Quốc thông báo sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài (FDI) tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất.
Theo một văn bản được công bố trên trang web của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), nước này sẽ khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các thiết bị và linh kiện công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả việc huy động vốn cho các doanh nghiệp đủ điều kiện thông qua hình thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. (AFP)
Kinh tế châu Âu
* Trong tháng 7, sáu quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tăng mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nga so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Slovenia và Croatia đứng đầu danh sách.
Đài Sputnik trích dẫn dữ liệu phân tích cho thấy trong tháng 7, xuất khẩu hàng hóa của Croatia sang Nga đạt 18,4 triệu Euro và xuất khẩu của Slovenia ước tính đạt 98 triệu Euro, cao hơn lần lượt 59% và 56% so với số liệu của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Estonia (16%), Bulgaria (10%), Áo (5%) và Latvia (1%) cũng đã tăng mạnh sản lượng xuất khẩu sang Nga trong cùng giai đoạn trên.
Trong khi đó, các nước EU khác lại giảm rõ rệt khối lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Theo dữ liệu, Cryprus gần như ngừng hoàn toàn xuất khẩu (-99%), cùng với đó là Luxembourg (-82%), Pháp (-76%), Thụy Điển (-75%) và Czech (-70%).
Sản lượng hàng hóa nhập khẩu từ Nga trong cùng thời kỳ đã tăng vọt tại 16 quốc gia trong khối EU. (Sputnik)
* Bộ trưởng Công thương Czech Jozef Sikela ngày 25/10 thừa nhận, các bộ trưởng năng lượng của EU "có quan điểm khá khác biệt" về việc đặt ra mức giá trần khí đốt thông qua sàn giao dịch TTF của Hà Lan do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trước đó.
Cũng theo ông Sikela, các bộ trưởng EU ủng hộ rộng rãi việc áp dụng trần giá linh hoạt đối với điện và khí đốt để hạn chế nguy cơ tăng giá quá mức trong trường hợp thị trường hoảng loạn.
Ngoài ra, các quan chức EU sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc họp bất thường nữa vào ngày 24/11 tới để thảo luận về các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. (Reuters)
* EU ngày 26/10 đề xuất các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán ngay bằng đồng Euro cho người dân và doanh nghiệp, dỡ bỏ các thủ tục hiện tại khiến các khoản tiền bị giữ lại trong nhiều ngày.
Hiện nay, các giao dịch chuyển tiền truyền thống cần mất tới ba ngày để hoàn tất. Một số ngân hàng cung cấp dịch vụ chuyển khoản ngay lập tức tính phí lên tới 30 Euro (30 USD).
Theo đề xuất mới của EU, các ngân hàng sẽ không được phép yêu cầu khách hàng trả nhiều hơn cho các khoản chuyển khoản ngay lập tức so với các khoản thanh toán truyền thống. Đề xuất sẽ được chuyển đến các thành viên EU và Nghị viện châu Âu. Sau khi được hoàn thiện, các ngân hàng Khu vực đồng euro sẽ có 6 tháng để chuẩn bị. (AFP)
* Ngày 25/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã chỉ thị cho chính phủ phát triển “một cách có hệ thống” Tuyến đường biển phương Bắc (NSR) ở Bắc Cực.
Theo ông Novak, với năng lực hạn chế của các tuyến đường khác, NSR là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Âu, phần phía Tây của nước Nga và vùng Viễn Đông của Nga, đang đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế Nga.
Phó Thủ tướng Nga yêu cầu các bộ phận chức năng theo dõi tình trạng băng dọc theo NSR thông qua sử dụng vệ tinh và hợp tác với các đối tác quốc tế về vận chuyển hàng hóa. (TTXVN)
* Ngày 23/10, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu một đợt giảm giá khí đốt đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ đã được lên kế hoạch từ tháng Ba năm nay có thể được thực hiện hay không, do những khó khăn về kỹ thuật và pháp lý trong việc đẩy nhanh tiến độ.
Một số bộ trưởng của các bang ở Đức đã kêu gọi triển khai chương trình giảm giá khí đốt có hiệu lực vào tháng Một tới để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình vượt qua mùa Đông năm nay.
Theo kế hoạch hiện tại, chính phủ Đức sẽ thanh toán một lần để trang trải hóa đơn khí đốt tháng 12 cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm nay, đồng thời áp dụng cơ chế giới hạn giá khí đốt đã được đưa ra từ tháng Ba. (Reuters)
* Ngày 26/10, Văn phòng Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo sẽ hoãn công bố dự thảo ngân sách sang ngày 17/11 tới, thay vì ngày 31/10 như kế hoạch ban đầu.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt nhận định, sự trì hoãn này là phù hợp với tình hình hiện nay. Trong bối cảnh Anh vừa có Thủ tướng mới và vì triển vọng ổn định dài hạn của nền kinh tế, việc trì hoãn công bố hơn 2 tuần là cách tốt nhất để đảm bảo chính phủ đưa ra quyết định đúng đắn. (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 25/10, trong báo cáo tháng Mười, Văn phòng Nội các Nhật Bản duy trì quan điểm rằng nền kinh tế nước này đang phục hồi ở tốc độ vừa phải, nhờ đà tăng của nhu cầu sau khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp chống dịch. Song, cơ quan này vẫn tỏ ra thận trọng trước những biến động trên thị trường tài chính sau khi đồng Yen giảm mạnh.
Theo đó, Văn phòng Nội các đưa ra nhận định lạc quan về hoạt động đầu tư kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lên kế hoạch tăng cường đầu tư để tăng công suất sản xuất, thúc đẩy số hóa và khử carbon. Song, báo cáo lại bi quan về tăng trưởng nhập khẩu do các chuyến hàng từ châu Á chậm lại.
Những đánh giá về các lĩnh vực khác của nền kinh tế, bao gồm tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu, vẫn được giữ nguyên. (Kyodo)
* Theo một nguồn tin, Nhật Bản sẽ hỗ trợ 20% hóa đơn tiền điện của các gia đình vào đầu năm tới theo gói hỗ trợ mới trong bối cảnh lạm phát tăng.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến chi khoảng 25.000 tỷ Yen (170 tỷ USD) cho gói hỗ trợ mới, với các chi tiết sẽ được thông báo sớm nhất là vào ngày 28/10. Giảm hóa đơn tiền điện 7 Yen/kWh sẽ là biện pháp hỗ trợ chính trong gói này. Với các doanh nghiệp, chính phủ sẽ hỗ trợ 3,5 Yen/kWh.
Ngoài ra, trung bình mỗi gia đình ước tính tiết kiệm khoảng 900 Yen hóa đơn khí đốt mỗi tháng, khi chính phủ hỗ trợ 30 Yen/m3 tiêu thụ. (Kyodo)
* Trong bối cảnh lạm phát cao và lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong quý III/2022 giảm so với quý trước do xuất khẩu giảm và chi tiêu suy yếu.
Số liệu công bố của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 27/10 cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 0,3% so với quý III/2022, thấp hơn so với mức tăng 0,7% ba tháng trước đó.
Tính theo quý, đây là tốc độ tăng trưởng theo quý chậm nhất kể từ khi nền kinh tế nước này đạt mức tăng 0,2% trong quý III/2021. Nếu tính theo năm, kinh tế Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Lạm phát hằng năm của Australia trong quý III/2022 đã tăng lên 7,3%, mức cao nhất kể từ năm 1990, cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại quốc gia lớn nhất châu Đại dương đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Dữ liệu do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 26/10 nêu rõ, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và giá năng lượng tăng vọt là nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI lên nấc thang mới trong quý vừa qua. Cụ thể, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng mạnh 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá xăng và nhiên liệu gia dụng tăng đột biến 10,9%.
Người đứng đầu bộ phận thống kê giá của ABS, Michelle Marquardt, cho biết mức tăng lạm phát của quý III/2022 cao hơn 1,2% so với quý II/2022, nhưng phù hợp với các dự đoán đã được đưa ra trước đó. (TTXVN)
* Ngày 25/10, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan cho biết, quốc gia này đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất pin điện lớn thứ hai thế giới vào năm 2028.
Ông Luhut khẳng định, mục tiêu trên có thể đạt được nếu Indonesia bắt đầu sản xuất ô tô điện (EV) chạy bằng pin lithium không muộn hơn quý II/2024 và mọi sự phát triển được thực hiện theo đúng kế hoạch. (TTXVN)
* Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia (MSIA) dự báo ngành công nghiệp bán dẫn của nước này sẽ tăng trưởng từ 8-10% vào năm 2022, sau đó sẽ giảm sút trong năm 2023 do sự sụt giảm trong các ngành sản xuất máy tính cá nhân (PC) và điện thoại thông minh.
Trong một báo cáo nghiên cứu đưa ra ngày 26/10, MSIA cho biết, ngành công nghiệp ô tô vẫn có khả năng phục hồi với số hóa đơn đặt hàng tăng cao. Theo thống kê của Ngân hàng đầu tư, trong 12 tháng qua, riêng ngành công nghiệp bán dẫn tại Malaysia đã thu hút được 52 tỷ Ringgit đầu tư với mục tiêu tạo ra 11.000 việc làm. (TTXVN)
Hải An