Hiệu sách tại Nhật đang dần 'tuyệt chủng', nhưng lý do không chỉ vì người dân lười đọc sách!
Theo tờ Kyodo, các hiệu sách truyền thống đang dần biến mất tại Nhật Bản. Theo một nghiên cứu ước tính, số lượng các nhà sách đã giảm gần 1/3 chỉ trong thập niên qua, tác động chính bởi sụt giảm dân số và sự phổ biến của Internet.
Nhiều người đã lên tiếng về vấn đề này và nêu ra những luận điểm như việc các hiệu sách là thiết yếu cho một môi trường đô thị sống động, nhưng việc số khách hàng liên tục giảm sút đang khiến giới kinh doanh sách phải thật khéo léo để tồn tại.
Xoay xở tìm hướng kinh doanh mới
Takashima Shobo, một hiệu sách có lịch sử 72 năm ở Koriyama, tỉnh Fukushima, đông bắc Nhật Bản, là một trường hợp điển hình.
Cửa hàng mang phong cách cổ kính với tấm biển phía trước rất lớn có chữ "BOOKS". Tràn ngập các tác phẩm văn học, tạp chí và sách ảnh, trong số vô vàn các ấn phẩm khác, nói chung là thiên đường của dân mọt sách. Nhưng theo phóng viên Kyodo ghi nhận, chẳng có nổi một hành khách vãng lai nào vào một buổi chiều muộn khi chủ sở hữu Mizuo Takashima, 67 tuổi, giải thích cách ông vẫn xoay sở để thu được lợi nhuận.
Ông Takashima cho biết: "Cửa hàng chỉ đóng góp khoảng 10% tổng lợi nhuận. 90% lợi nhuận đến từ việc phân phối cho các thư viện trường học và thư viện công cộng".
Theo Tổ chức Phát triển Cơ sở hạ tầng Thông tin Nhật Bản, hiện có 11.952 hiệu sách ở Nhật Bản, giảm khoảng 30% so với 16.722 vào năm 2012.
Để duy trì hoạt động kinh doanh của mình, Takashima đến thăm các công ty và trường học trong thành phố để tiếp thị dịch vụ giao sách của ông, trong khi một nhân viên bán thời gian sẽ trông cửa hàng.
Ông Takashima cho biết các thành phố vận hành thư viện và trường học có thể hỗ trợ rất nhiều cho các hiệu sách nhỏ nếu họ mua sách và các ấn phẩm khác từ các hiệu sách địa phương thay vì các nhà cung cấp ở Tokyo và các thành phố khác.
Dịch vụ của Takashima Shobo có thể cung cấp "gợi ý về cách các hiệu sách trong khu vực có thể tồn tại", ông nói.
Nhưng những câu chuyện thành công như vậy là ngoại lệ. Chính quyền địa phương ở Tateyama, tỉnh Toyama, nơi hiệu sách duy nhất đóng cửa vào năm 2015, đã cố gắng tìm một nhà điều hành sẵn sàng khai trương cửa hàng mới tại thị trấn suốt từ tháng 1. Điều này là do "nhiều người dân nói rằng một hiệu sách là điều cần thiết để làm cho thị trấn trở nên sống động", một quan chức phụ trách cho biết.
Nhưng một người có liên quan đến cửa hàng đã bị phá sản trước kia cho biết sách "không bán được" vì dân số thị trấn giảm. Người này còn nói: "Ngay cả khi một hiệu sách mới mở, tôi nghĩ vẫn sẽ rất khó khăn".
Chủ cửa hàng sách duy nhất ở một thị trấn khác tại Nhật ghi nhận rằng doanh số bán sách giáo khoa đã giảm đáng kể do tỷ lệ sinh giảm của Nhật Bản. "Thành thật mà nói, tôi đang trên bờ vực quyết định liệu mình có nên ngừng kinh doanh hay không vì số lượng trường học đã giảm xuống do dân số giảm", người này nói.
Vòng luẩn quẩn đáng lo ngại
Tổng lợi nhuận của các hiệu sách ở Nhật Bản được cho là khoảng 20% sau khi chiết khấu cho các nhà xuất bản và đại lý phân phối.
Cùng với sự sụt giảm dân số và ít người đọc sách hơn trong những năm gần đây, sự gia tăng các cửa hàng tiện lợi bán tạp chí gây thêm áp lực cho các nhà sách. Họ cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự sẵn có của sách điện tử và mua sắm trực tuyến.
Không chỉ ở các vùng nông thôn mà ngay cả ở Tokyo, số lượng các hiệu sách đã giảm khoảng 30% trong thập kỷ qua.
Kazuyuki Ishii, giám đốc điều hành của Liên đoàn các nhà sách Nhật Bản, cho biết việc tiếp tục giảm các hiệu sách cũng không phải là điềm báo tốt cho lượng người đọc sách.
Ông Ishii nói: "Do số lượng nhà sách giảm, nên nhiều khả năng lượng người đọc sẽ giảm, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Đã đến lúc toàn ngành xuất bản phải chung tay và nghĩ ra các biện pháp đối phó".
Người Nhật ngày càng "lười đọc sách"?
Một cuộc khảo sát năm 2019 của Viện Nghiên cứu Giáo dục Gakken cho thấy lượng đọc của trẻ em tiểu học Nhật Bản giảm đáng kể so với năm 1989. Cuộc khảo sát nghiên cứu 1.200 học sinh tiểu học (100 bé gái và 100 bé trai mỗi lớp - tại Nhật, cấp tiểu học có 6 khối lớp - PV), cùng với cha mẹ của các em.
Tính trung bình, học sinh đọc 3,1 cuốn sách mỗi tháng. Chia theo khối lớp, trung bình học sinh lớp 1 đọc nhiều nhất với 3,8 cuốn, trong khi học sinh lớp 5 đọc ít nhất với 2,3 cuốn. Lượng đọc của trẻ em có xu hướng giảm dần theo các lớp cao hơn. Trong số học sinh lớp 4 đến lớp 6, 30% trả lời rằng các em thậm chí không đọc nổi 1 cuốn sách mỗi tháng.
Nhìn lại cuộc khảo sát năm 1989, học sinh tiểu học trung bình đọc 9,1 cuốn sách, nghĩa là lượng sách được đọc đã giảm 2/3. Trái ngược với cuộc khảo sát năm 2019, cuộc khảo sát năm 1989 cũng cho thấy trẻ em từ lớp 3 trở lên đọc sách thường xuyên hơn, với trung bình mỗi tháng các em đọc 10 cuốn sách trở lên.
Người lớn cũng không ngoại lệ.
Tờ Japan Times đưa tin khoảng 67,3% người Nhật nói rằng họ đang đọc ít sách hơn, với khoảng 1/3 số đó cho rằng lý do là bởi thời gian dành cho các thiết bị như điện thoại thông minh đã tăng lên, theo một cuộc khảo sát của Cơ quan Văn hóa Nhật Bản công bố cùng năm 2019.
Dữ liệu chỉ ra tỷ lệ người đọc ít sách hơn đã tăng 2,2 điểm phần trăm so với năm tài chính 2013. Ở khảo sát năm 2013, con số này vốn ở mức 65,1%. Trong cuộc khảo sát cho năm tài chính 2008, 64,6% nói rằng thời gian dành cho việc đọc của họ đã giảm xuống. Tức là, có xu hướng tăng lên trong tỷ lệ số người đọc ngày càng ít sách.
Tỷ lệ những người ít đọc sách đặc biệt cao ở phụ nữ ở độ tuổi 20 và 40.
Về lý do đằng sau xu hướng này, 49,4% người được hỏi nói rằng họ quá bận rộn với công việc hoặc trường học - câu trả lời phổ biến nhất. Tiếp theo là lý do sức khỏe, bao gồm các vấn đề về thị lực, ở mức 37,2% và thời gian dành cho các thiết bị điện tử là 36,5%.
Nguồn: Nippon, Japan Times, Kyodo
Thạch Anh