Golden Gate bị xử phạt do công bố thông tin không đúng hạn và cho cổ đông vay
Ngày 25/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 782/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng.
Cụ thể, phạt tiền 70 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty báo cáo UBCKNN không đúng thời hạn các tài liệu sau: Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán; Nghị quyết và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty (QTCT) 6 tháng đầu năm 2021; Báo cáo tình hình QTCT năm 2021).
Phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông
Trong năm 2018, Công ty cho vay dài hạn đối với Công ty cổ phần Golden Gate Partner là cổ đông của Công ty với số tiền là 29,1 tỷ đồng. Theo BCTC năm 2021 đã kiểm toán, đến thời điểm 31/12/2021, số dư khoản phải thu về cho vay dài hạn đối với Công ty cổ phần Golden Gate Partner là 14,7 tỷ đồng.
Tổng hình phạt là 195 triệu đồng.
Trước đó, tháng 7/2022, Golden Gate bị UBCKNN phạt tổng cộng 435 triệu đồng. Trong đó, phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định.
Phạt 85 triệu đồng do công ty mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật. Cụ thể: trong năm 2021, công ty đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với công ty là buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Theo tìm hiểu, Golden Gate là đơn vị vận hành hàng loạt chuỗi nhà hàng nổi tiếng như lẩu Manwah, Cowboy’s Jacks, Sumo BBQ, Kichi Kichi, Vuvuzela, Gogi,... và được thành lập năm 2005.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, Golden Gate ghi nhận doanh thu đạt 3.317,8 tỷ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 430,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 64,63 tỷ đồng, tức giảm 495,23 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 59,5% về còn 58%.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Golden Gate tăng gần 100 tỷ so với đầu năm lên 2.387 tỷ đồng. Trong đó tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng dưới một năm trị giá 374 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với ngày đầu năm.
Trong cơ cấu nguồn vốn, mục đi vay dài hạn phát sinh 546 tỷ đồng do trong năm doanh nghiệp huy động trái phiếu. Tổng nợ đi vay của Golden Gate chiếm khoảng 45% tổng nguồn vốn với giá trị 1.075 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, tính tới 31/12/2021, Công ty đang có dư nợ trái phiếu trị giá 488,59 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 6/9/2024 với lãi suất lên tới 11,5%/năm. Trong đó, tài sản đảm bảo là 573.372 cổ phiếu của công ty được nắm giữ bởi CTCP Golden Gate Partners.
Thêm nữa, tính tới cuối năm 2021, cơ cấu cổ đông của Golden Gate chủ yếu do CTCP Golden Gate Partners sở hữu 44,2% vốn điều lệ; Công ty TNHH Prosperity Food Concepts sở hữu 32,9% vốn điều lệ; ông Đào Thế Vinh, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc sở hữu 5,1% vốn điều lệ; ông Trần Việt Trung, Chủ tịch HĐQT sở hữu 4,4% vốn điều lệ; ông Nguyễn Xuân Tường, thành viên HĐQT sở hữu 4% vốn điều lệ; và còn lại 9,3% thuộc về nhóm cổ đông nhỏ.
Duy Bắc