1. Chứng khoán

Giao dịch chứng khoán chiều 28/10: Bất ngờ 'quay xe', cổ phiếu thép bị xả mạnh

Cũng như thời gian gần đây, những phiên giao dịch bốc đầu chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật sau đợt lao dốc mạnh. Dư âm phiên giao dịch bùng nổ sắc tím ngày hôm qua 27/10 đã nhanh chóng biến mất bởi áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên sáng ngày 28/10, đã đẩy VN-Index lùi về gần mốc tham chiếu và tạm dừng trong sắc xanh nhạt.

Bước sang phiên chiều, chỉ số VN-Index nhanh chóng thủng mốc 1.030 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng mạnh với tâm điểm hướng vào nhóm cổ phiếu bluechip, đã kéo thị trường giật tăng trở lại.

Chỉ số VN-Index khá nỗ lực nhưng chưa thể kéo thành công qua ngưỡng 1.040 điểm và điều bất ngờ trái ngược phiên hôm qua đã diễn ra. Một lần nữa thị trường chứng kiến “lời nguyền” sau 14h. Áp lực bán gia tăng sau thời điểm này đã khiến thị trường cắm đầu đi xuống và để thủng mốc tham chiếu.

Thị trường kết thúc tuần trong sắc đỏ với đà giảm không quá lớn nhưng tia hy vọng nhỏ nhoi của giới đầu tư đã nhanh chóng bị dập tắt và trạng thái tiêu cực vẫn chưa chấm dứt.

Đóng cửa, sàn HOSE có 236 mã tăng (9 mã tăng trần) và 195 mã giảm (17 mã giảm sàn), VN-Index giảm nhẹ 0,65 điểm (-0,06%) xuống 1.027,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 654,7 triệu đơn vị, giá trị 13.345 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,08% về khối lượng và 19,99% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 139 triệu đơn vị, giá trị 4.676,72 tỷ đồng, trong đó riêng EIB thỏa thuận hơn 82 triệu đơn vị, giá trị lên tới gần 3.645 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu thép giao dịch trở nên tiêu cực hơn, với HSG và NKG đều đóng cửa trong trạng thái dư bán sàn, khối lượng giao dịch vẫn khá lớn, tương ứng đạt 16,23 triệu đơn vị và 11,81 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HPG sau khi được kéo xanh vào đầu phiên chiều đã bị đạp trở lại mức giá thấp nhất ngày 16.800 đồng/CP, giảm 3,4% và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 31,2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu trụ cột cũng có những tín hiệu thiếu lạc quan, đặc biệt là pha quay xe của “anh cả” VCB. Nếu trong phiên sáng nay, thậm chí ở đầu phiên chiều, cổ phiếu VCB hỗ trợ khá tốt cho thị trường, thì áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên đã khiến mã này đảo chiều giảm. Kết phiên, VCB giảm nhẹ 0,14% và đứng ở mức giá thấp nhất ngày 71.600 đồng/CP.

Nhiều mã khác trong ngành như BID, VPB, SHB, TPB, VIB, HDB, SSB, OCB cũng đồng loạt kết phiên trong sắc đỏ, đáng kể là EIB giảm mạnh gần 6,2% xuống mức 39.400 đồng/CP.

Trái lại, TCB tiếp tục củng cố đà tăng và lấy lại được sắc tím, ghi nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp khi đóng cửa tại mức giá 24.400 đồng/CP, thanh khoản tăng mạnh mẽ so với những phiên gần đây, đạt gần 12,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm chứng khoán, ngoại trừ điểm sáng VIX lấy lại được đà tăng trần khi kết phiên tăng 7% lên mức 7.210 đồng/CP, cổ phiếu VND bảo toàn mức giá 11.700 đồng/CP, tăng 3,1% sau chuỗi lao dốc mạnh; còn lại các mã khác hầu hết chỉ duy trì đà tăng nhẹ như SSI, VCI, HCM, BSI chỉ tăng trên dưới 1%

Ở nhóm bất động sản, trong khi VHM và VIC nới rộng biên độ tăng hơn 1-2%, thì nhiều mã trong ngành hạ độ cao như HDC, LCG, TCD… chỉ tăng 1-2%, thậm chí đảo chiều giảm khá sâu như NVL giảm 1,9%, DIG giảm 4%, CII giảm 1,3%, NLG giảm 1,1%, KSB giảm 5,7%... Tuy nhiên, vẫn có những mã kéo trần thành công như HDG, DPG, CKG, CIG, HU3.

Trên sàn HNX, mặc dù giao dịch diễn ra giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu nhưng thị trường đã may mắn giữ được sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 96 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,05%), lên 213,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,7 triệu đơn vị, giá trị 690,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm xấp xỉ 3 triệu đơn vị, giá trị 44,68 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEO lỗi hẹn với sắc tím và đóng cửa vẫn tăng khá tốt +7,6% lên 12.700 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường, đạt gần 8,81 triệu đơn vị.

Một số mã lớn khác giữ được đà tăng như THD tăng 1,7% lên mức giá cao nhất ngày 42.200 đồng/CP, VCS cũng tăng hơn 1%...

Trong khi đó, IDC đảo chiều giảm 1,1% xuống mức giá thấp nhất ngày 44.000 đồng/CP và khớp 1,94 triệu đơn vị.

Cổ phiếu chứng khoán SHS lùi về mốc tham chiếu 7.700 đồng/CP, đây cũng là mức giá thấp nhất trong phiên và khớp lệnh đạt hơn 8,24 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác cũng đóng cửa trong sắc đỏ như PVS giảm 2,2%, TNG giảm 3,1%, HUT giảm 2,3%, PVC giảm 2,5%...

Trên UPCoM, thị trường lùi sâu hơn trong phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,19 điểm (-1,54%) xuống 76,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,43 triệu đơn vị, giá trị 324,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,22 triệu đơn vị, giá trị hơn 136 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR rung lắc và đóng cửa ở mốc tham chiếu 17.900 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu, đạt hơn 5,7 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo là PVX tăng 2,9% lên 3.500 đồng/CP và khớp 3,56 triệu đơn vị và ATG tăng 6,5% lên 3.300 đồng/CP và khớp 2,37 triệu đơn vị.

Các mã khác như PAS, VHG, SBS đều tăng hơn 6-10%, với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đảo chiều giảm, với VN30F2211 đáo hạn gần nhất giảm 9 điểm, tương đương -0,9% xuống 1.016điểm, khớp lệnh gần 444.720 đơn vị, khối lượng mở 50.290 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CTCB2211 dẫn đầu thanh khoản với hơn 3,44 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 16,7% lên 70 đồng/CQ.

Tiếp theo là CTCB2212 khớp 2,91 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 26,3% lên 240 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin khác