1. Tài chính

Đồng ringgit của Malaysia sẽ ổn định so với đồng USD trong quý IV/2023

Đồng ringgit của Malaysia. Ảnh: Reuters

Cơ quan nghiên cứu, phân tích kinh tế của Malaysia AmBank Research cho biết, đồng ringgit (RM) của Malaysia sẽ bắt đầu mạnh lên so với USD từ quý II/2023 trở đi và ổn định ở mức 1 USD đổi được 4,40 RM vào quý IV/2023 vì đồng USD được dự báo sẽ bước vào thời kỳ giảm theo chu kỳ.

Theo AmBank, đồng nội tệ của Malaysia đã được định giá thấp nhất so với đồng USD vào ngày 31/3/1998 – thời kỳ khủng khoảng kinh tế châu Á- ở mức 4,88 RM/USD .

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/10, AmBank cho rằng: “Áp lực ngược đối với đồng nội tệ vẫn sẽ đến từ cả hai phía, đó là những sóng gió bên ngoài và những bất ổn trong nước. Chúng tôi dự đoán đồng RM sẽ suy yếu hơn nữa trong quý đầu tiên của năm 2023, giảm xuống mức đến 4,80 RM/USD”.

AmBank Research dự báo chênh lệch lãi suất giữa Malaysia và Mỹ sẽ thu hẹp trong nửa cuối của năm 2023. Cơ quan này cho hay: "Với nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ, chúng tôi dự đoán khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong nửa cuối của năm 2023 là khoảng 100 điểm cơ bản, điều này có nghĩa là chênh lệch lãi suất sẽ giảm từ mức đỉnh 1,25-1,50% xuống 0,25-0,50%".

Bên cạnh đó, AmBank cho biết thêm, nền kinh tế trong nước sẽ ổn định hơn nhiều sau cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 15. Điều này có nghĩa là các tác động tích cực của Kế hoạch Malaysia lần thứ 12, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư trực tiếp trong nước, hoạt động trong nước, xuất khẩu, kiểm soát lạm phát và ngân sách 2023 sẽ tạo ra sự thoải mái cần thiết cho nền kinh tế tăng trưởng khoảng 4,5% vào năm 2023.

Đánh giá kết quả hoạt động của đồng ringgit trong năm nay, AmBank Research cho biết việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm 2022 với mục đích hạ nhiệt lạm phát đã dẫn đến xu hướng tăng mạnh đối với đồng ringgit. Đồng nội tệ của Malaysia đã giảm 13,5% vào ngày 25/10 mặc dù Ngân hàng Negara Malaysia (Ngân hàng trung ương) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm để đạt 2,50% cho đến tháng 10/2022.

Kỳ vọng Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11/2022 và 0,25 điểm phần trăm nữa vào tháng 1/2023, đồng thời cho biết thêm rằng điều này sẽ đưa lãi suất chính sách trở lại mức trước COVID-19 là 3%.

Theo AmBank, đồng ringgit vẫn yếu so với USD bất chấp những nỗ lực ổn định tiền tệ bằng cách sử dụng khoảng 9,5 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương.

Quý II/2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 8,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Dự kiến GDP quý III của nước này sẽ đạt mức tăng trưởng tốt hơn, dao động khoảng 9% đến 10% với sự hỗ trợ của xuất khẩu mạnh mẽ và các hoạt động trong nước. Tuy nhiên, AmBank Research cho biết GDP của Malaysia dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm hơn vào quý IV/2022, khoảng 5,0%.

AmBank cho rằng, mặc dù mức tăng trưởng trung bình của GDP đạt khoảng 7,5% đến 8%, song đồng ringgit sẽ tiếp tục yếu đi do "cuộc chơi USD".

AmBank nói thêm: "Những sóng gió bên ngoài cộng với những khủng hoảng trong nước vẫn là những nhược điểm lớn đối với đồng ringgit. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất vẫn còn lớn, có lợi cho đồng USD. Chúng tôi dự đoán đồng ringgit vào quý IV/2022 sẽ ở mức 4,70 ringgit/USD"./.

Hằng Linh (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Tin khác