Doanh nghiệp nhỏ Mỹ tự xây dựng chuỗi cung ứng trong nước
Sản xuất trong nước với chi phí ngang bằng ở Trung Quốc
Trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, điều căng thẳng nhất đối với doanh nhân Ken Rosenblood là việc quan sát những con tàu, những chấm nhỏ trên radar, bị mắc kẹt ở khu vực ngoài khơi gần các cảng nhập khẩu lớn của Mỹ.
obVus Solutions, công ty của Rosenblood, chuyên sản xuất thiết bị văn phòng tiện dụng nhưng lô hàng giá đỡ máy tính xách tay của ông bị mắc kẹt trên tàu giữa lúc nhu cầu các công cụ làm việc tại nhà tăng mạnh. Với việc các lô hàng từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc bị giao chậm trễ, ông chứng kiến doanh thu của công ty giảm mạnh và kênh bán hàng chính của ông trên Amazon cũng không còn được xếp hạng về mức độ phổ biến trong các tìm kiếm.
“Nếu bạn hết sản phẩm để bán, các thuật toán của Amazon sẽ không còn xếp hạng công ty bạn. Vì thế, công việc kinh doanh của chúng tôi đã bị phá hủy. Chúng tôi cần xây dựng lại từ đầu”. Rosenblood đã quyết định đưa chuỗi sản xuất và cung ứng của obVus Solutions trở lại Mỹ. Ông mua một cửa hàng đồ nội thất cũ rộng 1670 m2 ở Victor, New York, và chi 4 triệu đô la để biến nó thành một nhà máy.
Rosenblood cho biết: “Tôi đã có nhà máy của mình ở đây và tôi cũng có đội ngũ kỹ sư riêng. Chúng tôi có thể thực hiện các điều chỉnh và có thể kiểm soát mọi thứ. Điều đó mang lại cho chúng tôi tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường, một lợi thế rất lớn so với việc đặt hàng từ Trung Quốc”. Ông nói chi phí sản xuất sản phẩm tại Mỹ cũng ngang bằng với ở Trung Quốc, nếu không muốn nói là thấp hơn.
Đại dịch Covid-19 buộc các công ty phải tính toán lại chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài. obVus cùng các doanh nghiệp nhỏ khác của Mỹ đang đi theo làn sóng chuyển hoạt động sản xuất về quê hương đang được dẫn dắt bởi các công ty đa quốc gia như Ford Motor, First Solar, Intel và Lego, những doanh nghiệp gần đây đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới của Mỹ như một giải pháp tháo gỡ những khó khăn của chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ nhận thấy họ bị đẩy lùi phía sau của chuỗi cung ứng vì họ không có quy mô đặt hàng và vốn lớn hoặc các mối quan hệ cần thiết để được ưu tiên hơn các công ty lớn. Và ngay cả khi họ được ưu tiên, chi phí vận chuyển container, vẫn cao gấp ba lần so với mức trước đại dịch, là rào cản lớn đối với họ.
Broglin-Peterson, nhà tư vấn công nghiệp ở khoa quản lý chuỗi cung ứng của Đại học bang Michigan, nói: “Họ thực sự bị bỏ lại đằng sau với gánh nặng chi phí và dịch vụ tồi tệ. Và họ không có nhiều phương tiện để giải quyết vấn đề này”.
Áp lực chuỗi cung ứng đã giảm bớt trong mùa hè, nhưng chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu, do Ngân hàng Dự trữ liên bang khu vực New York theo dõi, vẫn ở gần mức cao kỷ lục. Một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Goldman Sachs cho thấy sự chậm trễ và đơn hàng tồn đọng vẫn là mối quan tâm kinh tế hàng đầu đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ.
Trước tình hình đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa ngay từ đầu đang trở nên hấp dẫn và khả thi hơn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ Mỹ đang ưu tiên xây dựng chuỗi cung ứng gần gũi với khách hàng để họ có thể phản ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường và khơi dậy niềm tự hào về hàng hóa “sản xuất tại Mỹ”.
Vượt qua thách thức về nguồn nguyên liệu và linh kiện
Tuy nhiên, để xây dựng chuỗi cung ứng ngay tại Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ sẽ đối mặt với nhiều thách thức bao gồm cả nguồn lao động khan hiếm, chi phí cao và một hệ thống các nhà cung cấp nguyên liệu và linh kiện rời rạc, thiếu vốn để đổi mới, tự động hóa và đôi khi thiếu cả chuyên môn.
Rosenblood đã dành 5 tháng để nghiên cứu xem obVus Solutions có thể sản xuất các sản phẩm của mình tại Mỹ với nguồn vật liệu và linh kiện trong nước như nhôm, đai ốc, bu lông, và thậm chí cả lao động có tay nghề cao, hay không…
Cuối cùng, ông xác định khả năng này là có nhưng phải tiến hành thêm một số đổi mới. Ông chuyển sang sử dụng nhôm tái chế vì không thể mua đủ nhôm trong nước và chọn cách tự sản xuất đai ốc và bu lông với chi phí bằng 1/10 so với giá bán của các nhà cung cấp.
Các bộ định tuyến, máy tiện, máy cắt và máy nghiền được điều khiển bằng máy tính, vốn rất quan trọng để giảm chi phí lao động, sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Công ty ông sẽ thuê và đào tạo khoảng 25 thợ máy để vận hành chúng, trả lương ít nhất 52.000 đô la mỗi năm/người.
Rosenblood có kế hoạch sản xuất bàn phím có thể gập lại và đồng hồ thông minh. Ông cho biết có một sự thay đổi mới xuất hiện, xuất phát từ các động thái chính sách gần đây của chính phủ liên bang nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Ví dụ, Đạo luật giảm lạm phát đang khuyến khích đầu tư vào sản xuất pin trong nước cho xe điện. Vài ngày sau khi Tổng thống Biden ký ban hành đạo luật này hồi tháng 8, Honda và LG Energy đã công bố dự án nhà máy pin trị giá 4,4 tỉ đô la ở bang Ohio dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Điều đó là tin vui đối với Scott Colosimo, người sáng lập công ty khởi nghiệp xe máy điện Land Energy. Khi thành lập công ty vào năm 2020, mục tiêu của Colosimo là tìm kiếm một chuỗi cung ứng nội địa với mọi thứ được xây dựng, lắp ráp và vận chuyển từ nhà kho rộng 6.000 m2 của anh ở thành phố Cleveland, bang Ohio. Giờ đây, anh đã tiến gần hơn đến việc biến điều đó thành sự thật: 15 nhân viên của Colosimo sản xuất và lắp ráp hầu hết mọi thứ tại chỗ, ngoại trừ pin và một số linh kiện với chi phí thấp mà anh không thể tìm mua tại Mỹ.
Sau nhiều năm chật vật tìm mua các nguyên vật liệu ở trong nước, Forloh, công ty sản xuất bộ đồ và thiết bị đi săn, có trụ sở ở bang Montana, cuối cùng đã xây dựng được chuỗi cung ứng riêng. Robert Yturri, Giám đốc sản phẩm của Forloh, cho biết việc thiết lập chuỗi cung ứng trong nước rất tốn kém nhưng cho phép công ty phản ứng nhanh chóng với nhu cầu của thị trường.
Khả năng tiếp cận gần gũi với các nhà cung cấp và khách hàng giúp Forloh nhanh chóng sản xuất một mẫu sản phẩm thử nghiệm cho một ý tưởng và đưa nó ra thị trường trong vòng sớm nhất là sáu tuần. Nếu gia công sản xuất ở nước ngoài, quy trình này có thể mất từ 2-3 năm.
Theo New York Times
Khánh Lan