CII muốn thông qua công ty con để nâng sở hữu đạt tỷ lệ chi phối lại tại NBB
Cụ thể, Năm Bảy Bảy trình cổ đông chấp thuận cho Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng CII (viết tắt: Công ty CEE) và người có liên quan của Công ty CEE được mua vào cổ phiếu của Năm Bảy Bảy thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM để đạt hoặc vượt mức 25%, 35%, 45%, 65%, 75% tổng lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Năm Bảy Bảy mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai. Công ty CEE sẽ không sở hữu vượt quá 80% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy.
CII bán ở đỉnh cổ phiếu NBB
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng CII được thành lập ngày 19/1/2006, người đại diện pháp luật là Phùng Văn Hiền và có địa chỉ tại số 191 Hoa Lan, Phường 2, Quận Phú Nhuận, TP. HCM.
Điểm đáng lưu ý, tính tới 30/9/2022, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII – sàn HoSE) sở hữu 80% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng CII và ghi nhận là đầu tư vào công ty con.
Thêm nữa, tính tới 30/9/2022, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM cũng đang sở hữu 37,52% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và ghi nhận là công ty liên kết.
Bản chất giao dịch này là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM thông qua công ty con là Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng CII để nâng sở hữu tại Năm Bảy Bảy khi cổ phiếu này chỉ còn giao dịch vùng giá 15.200 đồng/cổ phiếu.
Ở một diễn biến khác, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM vừa bán 10 triệu cổ phiếu NBB để giảm sở hữu từ 47,51% về còn 37,52% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 7/7 đến 5/8.
Được biết, tính tới 31/12/2020, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM sở hữu 93,7% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và ghi nhận là đầu tư vào công ty con. Tuy nhiên, sau nhiều lần bán ra, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đã chuyển ghi nhận từ đầu tư vào công ty con sang đầu tư vào công ty liên kết tại Năm Bảy Bảy.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đã bán ra 56,18% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và chuyển từ công con sang công liên kết.
Được biết, thống kê từ ngày 13/10/2021 đến 5/4/2022, CII đã bán tổng cộng khoảng 41,74 triệu cổ phiếu NBB. Trong đó, thời điểm CII đẩy mạnh bán cổ phiếu NBB khi cổ phiếu này giao dịch vùng giá từ 31.000 đồng đến 59.700 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, hiện tại, cổ phiếu NBB chỉ giao dịch vùng giá 15.200 đồng/cổ phiếu, giảm 74,5% từ giá 59.700 đồng/cổ phiếu (ngày 11/1/2022).
Trước đó, Năm Bảy Bảy cũng trình cổ đông kế hoạch chào bán 50.237.828 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 753,6 tỷ đồng, thời gian dự kiến trong quý I và quý II/2022.
Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 422,4 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn đầu tư dự án Khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi; và 331,2 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi – Bình Thuận.
9 tháng đầu năm ghi nhận lỗ hoạt động cốt lõi 22,4 tỷ đồng
Trong quý III/2022, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 121,01 tỷ đồng, tăng 20,65 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận 0,3 tỷ đồng, giảm 99,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp ghi nhận 68,51 tỷ đồng, tương ứng tăng 69,95 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ âm 1,44 tỷ đồng); doanh thu tài chính giảm 85,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 231,62 tỷ đồng về 39,1 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 150,5%, tương ứng tăng thêm 51,74 tỷ đồng lên 86,11 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 79,1%, tương ứng giảm 18,19 tỷ đồng về 4,8 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 13,87 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 0,14 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 22,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 58,8 tỷ đồng.
Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lỗi ghi nhận lỗ, Công ty thoát lỗ nhờ vào việc ghi doanh thu tài chính là 39,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cho biết nguyên nhân doanh thu tài chính giảm chủ yếu do không ghi nhận thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư so với cùng kỳ ghi nhận 250 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 290,17 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2,09 tỷ đồng, giảm 99,4% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Công ty dự kiến tổng doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Công ty mới hoàn thành được 2% kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách rất xa kế hoạch.
9 tháng đầu năm dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục từ trước tới nay
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm 862,9 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 625,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.083,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.934 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Như vậy, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Được biết, từ năm 2007 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính của Năm Bảy Bảy ghi nhận âm vượt số tiền 862,9 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2010, Công ty ghi nhận dòng tiền âm 351,62 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2021, Công ty đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 103,18 tỷ đồng. Như vậy, nếu quý IV không có gì thay đổi, Công ty sẽ ghi nhận dòng tiền âm 2 năm liên tiếp.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/10, cổ phiếu NBB giảm 800 đồng về 15.200 đồng/cổ phiếu.
Duy Bắc