Chủ tịch Trung Nam Group: Trả lãi 2.800 tỷ đồng không là vấn đề gì
Tham gia chương trình “Cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng” do VnDirect tổ chức chiều 26/10, ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch Trung Nam Group đã có những chia sẻ về hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Từ tháng 5/2021 đến nay, Trung Nam Group và các công ty trong hệ sinh thái đã phát hành 26.220 tỷ đồng trái phiếu. Mới đây nhất là lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng của CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam.
Các lô trái phiếu của Trung Nam phần lớn chảy về các dự án điện tái tạo – lĩnh vực mũi nhọn mà tập đoàn này triển khai những năm gần đây. Trong đó, riêng công ty con là CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam ở Đắk Lắk đã huy động gần 11.000 tỷ đồng trái phiếu.
Nói về lý do huy động dồn dập lượng trái phiếu lớn trong thời gian ngắn, ông Thịnh cho biết, hiện Trung Nam Group có 14 nhà máy điện, tổng sản lượng điện đang phát lên lưới là 4,3 tỷ Kwh hàng năm. Trong đó, điện gió 700MW và 120MW là thủy điện, còn lại là điện mặt trời.
Ngành năng lượng có giá fit, giá fit chỉ có thời hạn nhất định. Ví dụ điện mặt trời đến 30/6/2019 vào một đợt và một đợt 30/12/2020; điện gió là 30/10/2021. Riêng điện gió, vào ngày 31/10/2021, Trung Nam đã hòa lưới tổng công suất 700MW, trong đó 100 MW làm ngoài biển.
100 MW điện gió làm ngoài biển và Điện gió An Nam Đắc Lắc 400MW đều hoàn thành trong 10 tháng, khoảng thời gian “thần tốc” khiến các nhà thầu lớn Việt Nam cũng như quốc tế đều ngạc nhiên.
“Dự án nhanh thì tỷ lệ thuận vốn góp cũng phải đi nhanh”, ông Thịnh lý giải.
Chủ tịch Trung Nam cho biết, Trung Nam Group đầu tư 1.700 MW, tổng mức đầu tư 55.000 tỷ, so với mức đầu tư này thì số trái phiếu phát hành 27.000 tỷ đồng không phải là quá lớn.
Với câu hỏi “tiền đâu trả 2.800 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu mỗi năm” mà các nhà đầu tư đặt ra, ông Thịnh trả lời: “Tôi bán điện tôi trả cho nhà đầu tư chứ. Doanh thu của chúng tôi một năm hơn 8.000 tỷ, trả lãi 2.800 tỷ không là vấn đề gì”.
Chia sẻ thêm về kế hoạch phát hành trái phiếu thời gian tới trong bối cảnh Nghị định 65 về phát hành trái phiếu có hiệu lực với nhiều quy định chặt chẽ hơn, ông Thịnh khẳng định Trung Nam Group có đầy đủ tiêu chuẩn để phát hành. Tuy nhiên tập đoàn đang đàm phán để gọi vốn quốc tế. "Với trái phiếu phát hành ra, tôi ăn ngon ngủ yên không vấn đề gì hết", Chủ tịch Trung Nam nhấn mạnh.
Trái phiếu doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng cục bộ
Chia sẻ tại chương trình, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect (mã VND) nhận định, trái phiếu doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng cục bộ từ nhóm tài chính, bất động sản. Tuy nhiên hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh đầu tư rất tốt; đồng thời lái dòng vốn của người dân vào sản xuất kinh doanh.
Theo bà Hương,VNDirect trong quá trình tư vấn phát hành đều phân phối tương đối. Ví dụ trong hơn 10.000 tỷ đồng phân phối trái phiếu cho CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk thì có 8.000 tỷ đồng là cho các ngân hàng. VNDirect vẫn giữ lại một phần để tạo lập thị trường, phân phối cho nhà đầu tư với mong muốn có công cụ đầu tư lãi suất cố định dài hạn thay thế cho các nhu cầu đầu tư khác.
Cũng trong ngày 26/10, VNDirect đã phát đi thông báo làm rõ những thông tin ảnh hưởng đến giá cổ phiếu VND, liên quan đến vấn đề trái phiếu.
Theo đó, tổng giá trị tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 của VNDirect là 23.530 tỷ đồng, năm 2022 là 6.868 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch tư vấn và bảo lãnh phát hành lớn nhất năm 2021 là thương vụ tư vấn phát hành trái phiếu cho CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk (thành viên của Trung Nam Group) với quy mô 10.250 tỷ đồng (hơn 8.600 tỷ được đầu tư bởi các ngân hàng thương mại lớn).
“Với vốn chủ sở hữu gần 14.500 tỷ, quy mô tư vấn phát hành và bảo lãnh phát hành của VNDirect hoàn toàn nằm trong các chỉ tiêu đảm bảo an toàn tài chính theo chuẩn mực quốc tế và pháp luật Việt Nam”, thông cáo nêu.
VNDirect cũng cho biết công ty đang phối hợp và làm việc với các cơ quan Nhà nước, cơ quan công an có thẩm quyền để truy tìm và xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt.
Cổ phiếu VND kết phiên 26/10 ở mức giá 10.650 đồng, thấp nhất kể từ tháng 5/2021. So với mức đỉnh 34.000 đồng hồi tháng 4/2022, cổ phiếu này đã mất tới 70% giá trị. 4 phiên giao dịch gần đây, VND đều nằm sàn, có phiên dư bán tới hơn 16 triệu đơn vị.
Phạm Ngọc