Cách tiết kiệm tiền của người trẻ mê đọc sách
Với mức lương hạn hẹp, nhiều bạn trẻ đã tự lập ra những khoản cố định để đầu tư cho đam mê sách, trung bình mỗi mức tiền dao động từ khoảng 3 triệu đến 5 triệu đồng một năm, chiếm khoảng 7-8% trong tổng thu nhập tài chính cá nhân.
Trao đổi và bán lại sách
Đối với Phi Thu Trang (24 tuổi, Hà Nội), sách là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Từ những năm còn là học sinh cấp 2, Trang bắt đầu ý thức về việc tiết kiệm tiền và mua cho mình những cuốn sách của tác giả yêu thích.
Trang vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên dành khoản tiền tiết kiệm 112.000 đồng để mua cuốn Kẻ may mắn của tác giả Nicholas Sparks. Kể từ đó về sau, Trang bắt đầu xây dựng tủ sách của riêng mình với dày đặc tác phẩm lãng mạn từng làm mưa làm gió trên thị trường của Marc Levy, Guillaume Musso...
Phải cho đến khi tốt nghiệp đại học, khi nhìn lại tủ sách của mình, Trang mới bắt đầu có mong muốn thay đổi thêm một số dòng sách mới về kiến thức đời sống, vừa để phục vụ công việc là một giáo viên tiểu học vừa để tìm hiểu thêm các dòng văn học khác.
Với mức lương hạn hẹp, Trang suy nghĩ đến việc có thể trao đổi sách với một số người bạn xung quanh mình. Trang chia sẻ: “Để tiết kiệm cho bản thân mà vẫn muốn có sách mới, mình có thể trao đổi với những người yêu sách xung quanh mình. Chẳng hạn, mình là một người có nhiều tiểu thuyết lãng mạn, mình cũng biết một người bạn cùng gu với mình. Hai người hoàn toàn có thể trao đổi, giao lưu sách với nhau. Bằng cách ấy, mức chi cho sách một năm của mình chỉ ở mức 3 triệu đồng, còn lại mình có thể chi tiêu cho các thiết bị hỗ trợ công việc”.
Việc thanh lý sách cũng là một sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Nhờ các hội nhóm trên mạng xã hội, Lê Thị An (22 tuổi, freelancer) có thể có cơ hội “F5” lại tủ sách của mình.
Đối với An, một cuốn sách hay không phải là một cuốn sách chúng ta có thể giữ lại mà đó phải là những cuốn có thể thay đổi cách nghĩ của chúng ta hay chúng là những cuốn sách có thể dành cho các thế hệ sau này vẫn đọc và cảm nhận được.
Hiện tủ sách của An có khá nhiều dòng văn trinh thám, trong đó An lưu giữ bộ truyện Harry Potter và một số cuốn kiến thức đời sống về nhân học.
“Khi chưa thể tự chủ hoàn toàn được về tài chính cá nhân, số tiền mình cố định cho tủ sách là khoảng 5 triệu đồng. Sau khi thanh lý sách, mình lại mua một số cuốn mới. Nhìn chung mức tiêu ổn định và không lấn sang các khoản khác”, An cho biết.
Nên mua sách lẻ hay mua theo bộ
Hiện nay có khá nhiều chương trình giảm giá đến từ các công ty phát hành sách. Một số bộ sách dành cho tủ sách người trẻ có thể được treo biển giảm giá và những ngày định kỳ trong năm. Đây là một cơ hội tốt để các bạn trẻ có được cuốn sách mình mong muốn. Tuy nhiên, với khả năng tài chính hạn hẹp, các bạn trẻ có những xu hướng khác nhau trong việc mua sách lẻ và mua theo bộ.
Trần Thùy Dương (nhân viên văn phòng, Hà Nội) hướng đến lựa chọn mua sách lẻ và cố gắng thực hiện theo kế hoạch bản thân đề ra: “Mỗi tháng một cuốn sách”. Số tiền chi cho sách trong một tháng của Dương chỉ chiếm khoảng 7% trên tổng thu nhập, Dương không có ý định bán lại mà thường sưu tập sách.
Với một số bạn trẻ khác, việc mua sách theo bộ tại các hội sách là một cơ hội tốt hơn để tiết kiệm các khoản chi.
Nguyễn Bảo Ngân (22 tuổi, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ: “Một cuốn sách của mình có giá từ 80.000 cho đến 400.000 đồng và tủ sách của mình hiện có khoảng 50 cuốn. Mình không thường hay mua vào các đợt giảm giá trong năm dù mình biết có rất nhiều".
Nguyễn Bảo Ngân thường đợi các khoản thưởng cuối năm để đến các hội sách. Mỗi năm Ngân chi từ 2 triệu đến 3 triệu đồng tiền sách. Cô không đọc cố định một thể loại nào cả nên tủ sách khá đa dạng vừa phục vụ mục đích giải trí vừa để làm giàu kiến thức lĩnh vực kinh tế mình đang theo đuổi.
Một số người đọc sách cho rằng hiện nay trên các sàn thương mại điện từ tiềm ẩn nhiều sách lậu và những cuốn giảm giá sốc đều không đáng tin. Em Nguyễn Minh Ngọc (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ về một lần mua phải sách giả trên các ứng dụng. Khi so sánh với sách thật bán ở hiệu sách, Ngọc hoàn toàn sốc khi biết giá quyển sách trên kệ gấp đôi và chất lượng giấy, màu mực in tốt hơn hẳn. Từ đó Ngọc rút kinh nghiệm chỉ nên mua sách tại website, hội sách hoặc một gian hàng online thật uy tín có thể tiếp nhận khiếu nại khi mình cần.
Với nhiều bạn trẻ, việc mua sách trên sàn thương mại điện tử là một cách để tiết kiệm tốt nhất bởi các mã giảm giá có quanh năm và định kỳ hàng tháng. Có những quyển chỉ có trong lúc “săn sale”.
Ngọc Thụy (21 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM) cho biết chỉ khi nào không thấy quyển sách mình thích ở trên ứng dụng thì mới ra các cửa hàng hay hội sách để chọn. Việc mua sách online tiết kiệm khá nhiều chi phí và thời gian của Thụy.
Mỗi người trẻ lại có những cách khác nhau để duy trì đam mê sách trong một khoản tiền nhất định. Mỗi cách thức lại phù hợp với điều kiện kinh tế khác nhau và nhu cầu của từng người với thể loại sách cũng như ý muốn được sưu tầm hay làm mới tủ sách.
Đức Huy