Áp lực bán nhẹ, cổ phiếu lớn tiếp tục đè chỉ số
Thanh khoản tiếp tục xuống rất thấp nhưng thị trường không xấu hơn trong phiên chiều nay. Đó là tín hiệu tích cực cho thấy áp lực bán đã nhẹ đi đáng kể. Tuy vậy VN-Index vẫn không thể “nổi” lên tới tham chiếu, chốt phiên vẫn giảm 4,34 điểm và 3 cổ phiếu VIC, VHM, VRE đã lấy đi xấp xỉ 3 điểm.
VIC đóng cửa giảm 2,32%, VHM giảm 2,47%, VRE giảm 3,48%. Đây cũng là 3/4 cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất rổ VN30 cuối ngày, mã còn lại là PDR giảm 2,57%. Đồng thời, đây cũng là 3 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.
Cũng không thể “trách” nhóm cổ phiếu Vin! VIC đã xuất hiện nỗ lực bật lên trong đợt ATC. Thời điểm cuối đợt khớp lệnh liên tục, VIC đang giảm 3,74% so với tham chiếu và kết phiên thu hẹp lại còn 2,32%. Lực mua đợt cuối khá mạnh với 330.800 cổ, tương đương một phần ba tổng lượng khớp cả ngày của VIC.
Ngoài nhóm Vin, những blue-chips khác giảm không nhiều: HPG giảm 1,17%, SAB giảm 0,91%, NVL giảm 0,67%, SSI giảm 1,33%, VIB giảm 1,04%. Độ rộng rổ VN30 cuối ngày ghi nhận 13 mã tăng/15 mã giảm. Chỉ số giảm nhẹ 0,11% so với mức giảm 0,44% của VN-Index và 0,79% của Midcap, 1,71% của Smallcap.
Nhóm blue-chips vẫn đang nỗ lực cân bằng thị trường quanh ngưỡng gần 1.000 điểm. VN-Index kết phiên rơi xuống 993,36 điểm, thực ra dư địa để vượt trở lại lên trên mốc tâm lý 1.000 điểm không hề nhỏ. Khoảng cách vài điểm như vậy là nằm trong tầm tay của các cổ phiếu lớn.
Nhóm tăng kéo điểm số hôm nay có mặt khá nhiều mã ngân hàng: BID, STB, ACB, VPB, TCB, VCB, EIB đều xanh, nhưng mức độ thì yếu. ACB tăng 1,23%, BID tăng 1,28%, EIB tăng 2,31% thuộc top 5, còn lại là MSN tăng 4%, GAS tăng 0,75%.
Rổ VN30 chiều nay thanh khoản vẫn rất nhỏ, chỉ đạt 1.016 tỷ đồng khớp lệnh, tăng 25% so với buổi sáng. Dù vậy tổng giao dịch chỉ 1.831 tỷ đồng khớp lệnh cả ngày là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2020, tức là hơn 2 năm ròng. Điểm tích cực là cổ phiếu trong rổ vẫn khá cân bằng, hầu hết số giảm đều nhẹ, đồng nghĩa với áp lực bán rất nhỏ trong thanh khoản nói trên. Nếu bán mạnh, giá đã giảm sốc và thanh khoản tăng lên.
Xét theo nhóm ngành, các mã bất động sản vẫn thiệt hại nặng nhất hôm nay. Trong 43 mã giảm sàn trên HoSE, cổ phiếu bất động sản dày đặc, tiêu biểu là BCG, KBC, LDG, DXG, DXS, HDG, LCG, DIG, HQC... Nhiều mã trong số này xuất hiện thanh khoản cực cao như DIG, DXG khớp tương ứng 149 tỷ đồng và 145 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng khá đuối, bất ngờ là VND, FTS, BSI, CTS, APG giảm sàn. VND đặc biệt đáng chú ý sau phiên thanh khoản đột biến 65,5 triệu cổ hôm qua. Giá tiếp tục giảm sàn hôm nay cho thấy giao dịch phiên trước nhiều khả năng là xả hàng. Chỉ từ đầu tháng 10 tới nay VND đã giảm 39,1% và kể từ đỉnh tháng 8/2022 giảm 53,6% giá trị. Các cổ phiếu chứng khoán lớn khác cũng yếu như SSI giảm 1,33%, VCI giảm 3,38%, HCM giảm 1,67%...
Thị trường đã trải qua nhiều phiên cố gắng giữ cân bằng với thanh khoản thấp như hôm nay. Yếu tố thuận lợi là người bán đang chán nản, nhưng việc có thu hút được dòng tiền mua hay không mới là quyết định. Do dòng tiền quá yếu nên tới thời điểm xuất hiện tin xấu hay tâm lý bất an, thị trường lại rất dễ suy sụp.
Giao dịch giảm hôm nay là toàn diện, ngay cả thỏa thuận cũng không đáng kể. Tổng giao dịch (cả thỏa thuận) trên 3 sàn còn chưa tới 9.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua 626,7 tỷ đồng tại HoSE, bán 683,7 tỷ, sụt giảm đáng kể. 3 phiên liền trước ngày nào khối này cũng mua bán trên ngàn tỷ đồng tại sàn này. Diễn biến này thể hiện tâm lý chán nản là phổ biến.
Kim Phong -