Anh sẽ có thủ tướng siêu giàu
Từ trước khi giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ hôm 24/10 và sẽ sớm trở thành thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak đã là một trong những người giàu nhất nước này, và giờ đây, ông sẽ trở thành người quyền lực nhất.
Giàu gấp đôi nhà vua
Từ lâu nay, những thủ tướng đến từ đảng Bảo thủ đều xuất thân từ tầng lớp tinh hoa của nước Anh.
Tiêu biểu như ông Boris Johnson hay David Cameron, những người được học ở Eton College - ngôi trường nổi tiếng dành cho những nam sinh đến từ gia đình danh giá, cái nôi của những nhà lãnh đạo tương lai.
Rishi Sunak thì không hẳn như vậy, ông xuất thân trong một gia đình Hindu nhập cư, với cha là bác sĩ đa khoa còn mẹ là dược sĩ. Ông học trung học tại Winchester College, cũng là một trường nội trú tốp đầu cho nam sinh như Eton, nhưng phần nào đó ít danh tiếng hơn.
Cả 3 người đều học Oxford, nhưng ông Sunak, sau khi hoàn thành chương trình ở Oxford, đã nhận được học bổng Fulbright để đến Stanford. Chính tại California, ông Sunak đã gặp người vợ tương lai của mình, bà Akshata Murty, con gái tỷ phú Narayana Murthy - nhà sáng lập đế chế Infosys.
Hai người làm đám cưới năm 2009, và khối tài sản của ông Sunak cùng phu nhân ước tính vào khoảng 830 triệu USD, gần gấp đôi tài sản của cố Nữ hoàng Elizabeth II (420 triệu USD).
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh gia đình thủ tướng giàu có hơn cả gia đình hoàng gia. Phần lớn số tiền này đến từ lượng cổ phần mà bà Murty nắm giữ tại Infosys - công ty phần mềm này hiện có thị giá vào khoảng 77 tỷ USD.
Gia đình nhà Sunak sở hữu ít nhất 3 bất động sản hạng sang ở nước Anh, cùng với một căn biệt thự ở Santa Monica, bang California - có giá khoảng 6 triệu USD.
Theo báo Anh Guardian, ông Sunak cùng phu nhân và hai con gái thường dành cả tuần trong ngôi nhà 5 phòng ngủ của họ ở phía tây London, còn đến cuối tuần cả gia đình sẽ đến một trang viên ở North Yorkshire, nơi có hồ bơi trong nhà, phòng tập thể dục, yoga và cả một sân tennis.
Nhưng có lẽ đời sống thượng lưu của ông Sunak sẽ không ảnh hưởng lắm đến mối quan hệ giữa ông và các cử tri, theo ông Rober Ford, giáo sư chính trị học tại Đại học Manchester.
"Người Anh nói chung không cho rằng giàu có là một điều xấu xa hoặc khiến bạn không đủ tiêu chuẩn. Có nhiều người rất giàu có mà vẫn được công chúng yêu thích", ông Ford cho biết.
"Cái mà mọi người thực sự quan tâm là việc những người giàu có sẽ tự tạo ra những ngoại lệ cho chính họ", ông Ford nhận định và nhắc đến việc ông Sunak từng vẫn giữ thẻ xanh ở Mỹ khi làm Bộ trưởng Tài chính, và việc bà Murty khai báo tình trạng "không cư trú" để không phải đóng thuế với những khoản thu nhập đến từ ngoài nước Anh.
Một thống kê trên Twitter của công ty nghiên cứu thị trường Savanta ComRes hôm 24/10 cho thấy khi được hỏi: "Bạn sẽ dùng từ nào để miêu tả ông Rishi Sunak?", hầu hết trả lời bằng từ "giàu có".
Ông Sunak cũng bị chỉ trích vì bài phát biểu trước các thành viên đảng Bảo thủ mùa hè năm nay, khi ông nói rằng, với tư cách là bộ trưởng tài chính, ông đã cố gắng giảm bớt nguồn tiền từ chính phủ vốn tập trung trợ cấp các khu vực nghèo, chia sẻ nguồn này cho các khu dân cư giàu có.
Ứng viên hợp lý
Tuy nhiên, trong thời điểm mà giá năng lượng và lạm phát tăng cao, những người ủng hộ ông Sunak cho rằng không phải khối tài sản, mà kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, sẽ khiến ông đảm đương tốt nhiệm vụ hiện tại.
Trước khi trở thành nhà lập pháp cách đây 7 năm, ông Sunak từng làm việc cho ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và sau đó là một quỹ đầu cơ. Trước khi trở thành thủ tướng, ông cũng là Bộ trưởng Tài chính trong nội các của Boris Johnson, phụ trách việc ổn định kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Trong các cuộc thăm dò, ông Sunak luôn nhận được nhiều sự ủng hộ hơn so với bất cứ ứng viên nào, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc đua cho chiếc ghế thủ tướng Anh diễn ra khi nền kinh tế gặp nhiều sóng gió.
Cách đây 2 tháng, mặc dù thất bại trong cuộc cạnh tranh với bà Truss cho vị trí lãnh đạo đảng, ông Sunak đã nói rằng những kế hoạch của bà Truss giống như "chuyện cổ tích", dựa trên "kinh tế học tưởng tượng".
Giờ đây, những tuyên bố đó đã được chứng minh là có cơ sở, khi kế hoạch ngân sách mini của bà Truss khiến thị trường hoảng loạn trên diện rộng, khiến bà phải rời khỏi nhà số 10 phố Downing chỉ sau 45 ngày.
Sau thất bại của bà Truss, ông Sunak dường như đã chiếm được sự ủng hộ của toàn bộ đảng Bảo thủ và trở thành thủ tướng khi các đối thủ cạnh tranh là Penny Mordant và Boris Johnson chủ động rút lui.
Ông Jeremy Hunt, Bộ trưởng Tài chính hiện tại được bà Truss bổ nhiệm, cũng lên tiếng ủng hộ người được lựa chọn của đảng Bảo thủ. Trong bài đăng trên bài Daily Telegraph, ông Hunt cho rằng người dân Anh đang rất cần một nhà lãnh đạo có khả năng chèo lái đất nước vượt qua khủng hoảng, và theo ông Hunt thì người đó chính là Rishi Sunak.
Tuy nhiên, vấn đề tài sản của ông Sunak vẫn có thể là một điểm yếu để phe đối lập khai thác. Theo ông Steven Fielding, giáo sư chính trị học tại Đại học Nottingham, với chiến thắng của ông Sunak, Công đảng đối lập sẽ tìm cách công kích và cho rằng tân thủ tướng sống một cuộc sống hoàn toàn xa lạ với đại bộ phận người dân Anh.
Hồi đầu năm nay, trong một buổi thảo luận về việc tăng giá thực phẩm, ông Sunak khiến dư luận dậy sóng khi nói rằng "trong nhà tôi có rất nhiều loại bánh mì" - một chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa sự xa hoa mà không phải người dân nào cũng có.
Hay là một lần khác vào tháng 3/2022, khi ông Sunak tham gia phóng sự của đài Sky, ông đến cửa hàng tiện lợi để mua một lon nước uống có ga. Khi thu ngân giơ máy quét mã vạch lên sau tấm màn chắn ngăn Covid-19, ông Sunak lại đưa thẻ ra định quẹt lên chiếc máy, thay vì đưa lon nước ngọt.
Đoạn băng này nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội, và nhiều người chế nhạo ông Sunak, cho rằng có vẻ như bộ trưởng tài chính chưa từng đến cửa hàng tiện lợi bao giờ.
Sơn Trần