4 trùm phế liệu đình đám, biến rác thành 'núi' tiền
Câu chuyện kinh doanh của các triệu phú, tỷ phú vẫn luôn hấp dẫn tất cả mọi người bởi thường có rất nhiều bài học làm giàu, kinh nghiệm sống được rút ra từ đây. Một trong số đó chính là cách tìm kiếm và phát triển cơ hội kiếm tiền từ những thứ bị người khác bỏ đi như rác thải, phế liệu.
“Bà hoàng giấy lộn” Trương Nhân
Nhắc đến những “trùm” phế liệu đình đám thì không thể bỏ qua “bà hoàng giấy lộn” Trương Nhân (SN 1957, người Trung Quốc), người đứng đầu công ty sản xuất giấy Cửu Long (Nine Dragons Paper Holdings Limited). Bà chính là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên tại Trung Quốc và là 1 trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới.
Là con cả trong một gia đình nghèo khó và đông con, từ nhỏ Trương Nhân đã rất độc lập và cứng cỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm kế toán ở Thâm Quyến (Trung Quốc) và lên đến chức kế toán trưởng. Tuy nhiên không thỏa mãn với cuộc sống làm công ăn lương, năm 1985, bà cầm số tiền tiết kiệm 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng) đến Hong Kong để khởi nghiệp với giấy phế liệu.
Tại đây, Trương Nhân thu mua giấy phế liệu, giấy vụn rồi bán lại cho các công ty sản xuất giấy. Chỉ 2 năm sau, bà đã thành lập được công ty đầu tiên của mình. Không dừng lại ở đó, năm 1990, Trương Nhân cùng chồng tiếp tục phát triển thị trường, mở công ty sản xuất giấy ở Mỹ. Năm 1996, công ty Cửu Long ra đời với nguồn vốn 110 triệu USD, dùng giấy phế liệu tái chế ở nước ngoài để sản xuất giấy cao cấp và bán lại.
Năm 2005, Trương Nhân lọt top 100 người giàu nhất thế giới trong Danh sách người giàu Hurun, chính thức trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc. Năm 2021, bà sở hữu tài sản 42 tỷ USD, đứng thứ 10 trong danh sách những người phụ nữ giàu nhất thế giới. Năm 2022, Trương Nhân đứng thứ 13 trong danh sách với 40,5 tỷ USD.
Tỷ phú tái chế Anthony Pratt
Trái ngược với Trương Nhân, Anthony Pratt (SN 1960, người Úc) sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh phế liệu nổi tiếng ở Úc. Tuy nhiên chính cái bóng của gia đình lại đè nặng lên vai Anthony, khiến ông từng bị coi là đứa trẻ hư hỏng, kỳ quái. Nhưng chính ông đã giúp “đế chế” của gia đình phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết.
Theo đó, từ những năm 1980, bố của Anthony - ông Richard Pratt đã bắt đầu giấc mơ Mỹ tiến nhưng việc sản xuất và kinh doanh của nhà máy ở đây không hiệu quả. Anthony đã mạnh dạn đóng cửa nhà máy này, tập trung xây dựng nhà máy sản xuất bao bì của riêng mình nhưng không dùng gỗ để sản xuất mà dùng giấy phế liệu để tái chế. Chỉ trong năm 1995, Anthony đã mở được 2 nhà máy tái chế giấy trị giá 250 triệu USD và 130 triệu USD. Từ đó công việc kinh doanh của Anthony liên tục phát triển rực rỡ, lọt top đầu trong ngành nhà sản xuất bao bì.
Năm 2009, Richard Pratt qua đời và Anthony Pratt lên giữ chức Chủ tịch Visy Industries. Từ đó đến nay, Anthony tiếp tục giúp công ty gia đình trở thành công ty giấy và bao bì tái chế tư nhân lớn nhất thế giới. Hiện tại Anthony Pratt đang đứng thứ 171 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes với khối tài sản ròng là 11,4 tỷ USD.
Patrick Dovigi - “Vua rác tái chế” Canada
Từ khi còn là một cầu thủ khúc côn cầu, Patrick Dovigi (SN 1979, người Canada) đã bắt đầu tích lũy kinh nghiệm quản trị và kinh doanh, trong đó có lĩnh vực chất thải. Vì vậy mà sau khi từ bỏ sự nghiệp thể thao, Patrick đã đi theo con đường kinh doanh rác tái chế.
Năm 2007, Patrick Dovigi thành lập công ty quản lý và tái chế rác thải Green For Life với mục đích mở ra hướng đi mới cho các công ty rác thải và cung cấp dịch vụ môi trường trọn gói. Theo thời gian, công ty dần phát triển và thâu tóm các doanh nghiệp rác thải nhỏ lẻ ở địa phương.
Hiện tại, công ty của Patrick Dovigi có quy mô hoạt động trên khắp Canada và một số khu vực tại Mỹ, có doanh thu mỗi năm hàng tỷ USD.
Brian Scudamore - chàng trai bỏ học cấp 3 thành triệu phú nhờ dọn rác
Sau khi bỏ học cấp 3, Brian Scudamore (SN 1970, người Canada) vẫn muốn đi học đại học nên đã quyết định làm rất nhiều việc làm thêm cùng lúc. Trong một lần tình cờ nhìn thấy chiếc xe tải cung cấp dịch vụ dọn rác, Brian đã nảy sinh ý tưởng kinh doanh, cung cấp dịch vụ thu dọn rác mang tên The Rubbish Boys. Chỉ sau 1 năm, ông đã có lợi nhuận 1.700 USD và số tiền được dùng để chi trả cho việc học đại học.
Sau 3 năm học đại học, Brian quyết định bỏ học một lần nữa để tập trung vào kinh doanh. Tuy nhiên vào năm 1994, khi công ty đã sở hữu 5 chiếc xe tải dọn rác và 11 nhân viên, ông quyết định cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc và bắt đầu lại từ đầu vì cảm thấy không hạnh phúc, các nhân viên cũng thường xuyên phàn nàn về các khía cạnh của công việc. Đây cũng là lúc Brian đổi tên công ty thành 1-800-GOT-JUNK?.
Năm 1997, 1-800-GOT-JUNK? đạt doanh thu 1 triệu USD/năm. Từ năm 2003 - 2006, công ty mở rộng hoạt động đến 30 khu vực tàu điện ngầm ở Bắc Mỹ, đạt doanh thu 100 triệu USD/năm.
Hiện tại, giá trị doanh nghiệp của Brian đang có trị giá hơn 300 triệu USD. Công ty điều hành hệ thống dọn rác nhượng quyền tại 160 địa điểm ở Mỹ, Canada và Úc.
Huyền Trang (Tổng hợp)