1. Tài chính

Vì sao doanh nghiệp chưa 'mặn mà' với trái phiếu xanh?

Ngày 21/11, FiinRatings phát hành Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 11. Trong đó, các chuyên gia nhận định dù nhu cầu tín dụng xanh của Việt Nam được đánh giá rất lớn, nhưng tính từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu xanh vẫn rất khiêm tốn.

Tính từ đầu năm đến 20/11/2024, đã có 4 lô trái phiếu xanh được phát hành theo Nguyên tắc Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) với tổng giá trị 6,87 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ. Các lô trái phiếu này đều được các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá xác nhận bao gồm bởi FiinRatings về Khung Trái phiếu Xanh.

Tháng 10 vừa qua ghi nhận lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng do CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I phát hành (thuộc lĩnh vực thủy sản) được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo. Đây cũng là lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp phi tài chính.

BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh.

Giai đoạn 2016-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,1 tỷ USD (khoảng gần 27 nghìn tỷ đồng) Trái phiếu xanh, Xã hội và Bền vững. Trái phiếu do tổ chức phi ngân hàng phát hành thuộc nhóm này hiện có số dư khiêm tốn với các đợt phát hành từ EVNFinance (1.725 tỷ đồng), BIDV (2.500 tỷ đồng), Vinpearl (425 triệu USD), và BIM Land (101 triệu USD), chiếm 1,8% tổng giá trị thị trường, thấp hơn đáng kể so với mức 5-7% của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Các chuyên gia nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã và đang chứng kiến một số lô trái phiếu xanh của các tổ chức quốc tế có xếp hạng tín nhiệm cao bao gồm: CGIF (quỹ tín thác của ADB) và GuarantCo (đơn vị chuyên về bảo lãnh tín dụng thuộc Tập đoàn PIDG) được phát hành thành công.

Đồng thời, chuyên gia nhận định so với những năm trước, thị trường đang chứng kiến sự sôi động trở lại của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững. Các doanh nghiệp đang chủ động xây dựng khung tài chính xanh/khung trái phiếu xanh và thực hiện đánh giá độc lập trước phát hành theo tiêu chuẩn quốc tế như của CBI và ICMA, với những khung phát hành tiên phong từ Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mới đây là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I và Công ty TNHH Nước Sạch Hòa Bình – Xuân Mai.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự thảo để ban hành khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh nhưng các giao dịch trái phiếu xanh được phát hành trong thời gian gần đây có phần khởi sắc hơn nhờ vào khung pháp lý cơ bản bước đầu và đặc biệt là sự tự nguyện của các thành viên trên thị trường. Thực tế các giao dịch trái phiếu xanh gần đây cho thấy đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, FiinRatings đánh giá.

Dù vậy, giá trị phát hành của trái phiếu xanh của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, những rào cản chính bao gồm: Thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, hạn chế về thông tin và dữ liệu, và sự thiếu hiểu biết của các bên liên quan về trái phiếu xanh.

Về phát triển trái phiếu xanh, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng danh mục phân loại các dự án xanh đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo các tiêu chí môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế và tình hình thực tiễn của đất nước.

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng và Dịch vụ Tài chính Bền vững (FiinGroup) nhận định: “Danh mục này sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý xác định, đánh giá và giám sát các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh, đảm bảo tính xanh và tác động tích cực đến môi trường”.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết đã chủ động nghiên cứu các thông lệ, nguyên tắc trái phiếu xanh quốc tế. Đồng thời, nhờ sự tư vấn kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (World Bank) để xây dựng Khung Trái phiếu xanh theo chuẩn ICMA và đạt định hạng rất cao của Moody's. “Đây là yếu tố quan trọng để xác lập thành công của đợt phát hành", ông Lâm nói.

Quy mô phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng giảm 41%

Báo cáo của FiinRatings cung cấp những thông tin chi tiết về các diễn biến và xu hướng mới nhất tại thị trường TPDN Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 10, giá trị phát hành TPDN giảm đáng kể so với tháng trước do quy mô phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chậm lại, đạt 33.000 tỷ đồng với 38 đợt phát hành, giảm 41,4% so với tháng trước, nhưng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, cơ cấu phát hành theo ngành nghề có phần đa dạng hơn khi trái phiếu của TCTD giảm tỷ trọng còn 58% so với mức trên 80% trong các tháng trước đây. Giá trị của những trái phiếu có vấn đề trong tháng 10 tiếp tục tăng chậm hơn. Tỷ lệ TPDN có vấn đề, bao gồm chậm trả và được tái cấu trúc, đạt 19%.

Hiện, tỷ lệ TPDN có tài sản bảo đảm chỉ khoảng 12% tổng giá trị phát hành trong tháng 10 và tỷ lệ TPDN được bảo lãnh bởi TCTD chỉ chiếm chưa đến 3%. Trong khi đó, bảo lãnh thanh toán bởi các tổ chức quốc tế chưa được đề cập trong dự thảo.

Thanh Hoa

Tin khác