1. Kinh doanh

Tìm nền tảng phát triển bền vững doanh nghiệp

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khách hàng và Thị trường, Deloitte Việt Nam

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khách hàng và Thị trường, Deloitte Việt Nam

Lợi ích của việc đầu tư bền vững vào nguồn nhân lực

Phát triển con người bền vững (human sustainability) có thể hiểu là khả năng của một tổ chức trong việc tạo ra giá trị cho con người. Vượt ra ngoài các số liệu đo lường sự gắn kết của nhân viên truyền thống, phát triển con người bền vững nhấn mạnh một cách tiếp cận toàn diện đối với hạnh phúc của người lao động, tập trung vào sự hài lòng trong công việc và năng suất.

Các tổ chức ưu tiên sức khỏe và sự phát triển của con người sẽ tạo ra một vòng lặp phản hồi tích cực. Khi cảm thấy được coi trọng, hỗ trợ và trao quyền, các cá nhân trong tổ chức có nhiều khả năng tham gia tích cực vào các hoạt động của tổ chức, nâng cao năng suất và năng lực đổi mới, từ đó thúc đẩy thành công của tổ chức, tạo ra một chu kỳ bền vững về tăng trưởng và hạnh phúc.

Nói cách khác, bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực một cách bền vững, các tổ chức không chỉ hoàn thành trách nhiệm đạo đức, mà còn đảm bảo khả năng tồn tại và thành công lâu dài của họ. Những lợi ích của việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực bền vững đã được nghiên cứu và đo lường trên thực tế.

Việc tập trung vào sự đa dạng, công bằng và hòa nhập có thể giúp doanh nghiệp tăng cường đổi mới, ra quyết định tốt hơn và cải thiện hiệu quả tài chính. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng, các công ty có sự đa dạng lớn hơn có khả năng vượt trội về mặt tài chính cao hơn 2,4 lần so với các đối thủ cạnh tranh.

Đầu tư vào phát triển kỹ năng thông qua các chương trình đào tạo không chỉ giúp nâng cao năng lực của nhân viên, mà còn gia tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của tổ chức nói chung. 84% người lao động tại các tổ chức có hiệu suất cao được khảo sát cho biết, họ được đào tạo và trang bị các kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt công việc. Ngược lại, việc bỏ bê sức khỏe của lực lượng lao động có thể gây ra những tác động bất lợi như tỷ lệ nghỉ việc cao, doanh thu và năng suất sụt giảm.

Danh tiếng của doanh nghiệp cũng sẽ được gia tăng trong mắt người lao động và người tiêu dùng khi đầu tư vào phát triển con người. Trong một cuộc khảo sát toàn cầu của Deloitte năm 2022, 64% người lao động nói rằng, họ sẽ bị thu hút hơn và ở lại với một tổ chức tạo ra giá trị không chỉ cho các cổ đông, mà còn cho người lao động với tư cách là con người và xã hội rộng lớn hơn. 76% người tiêu dùng cho biết, họ có nhiều khả năng mua hàng từ các tổ chức có trách nhiệm với xã hội.

Khoảng cách giữa nhận thức và hành động phát triển con người

Mặc dù phát triển con người bền vững mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên vẫn tồn tại khoảng cách giữa nhận thức và hành động. Theo báo cáo Xu hướng nguồn nhân lực toàn cầu của Deloitte năm 2024, ba vấn đề được người lao động tham gia khảo sát lo ngại nhất là: căng thẳng trong công việc gia tăng dẫn đến sức khỏe tinh thần giảm sút (53%), rủi ro công việc bị thay thế bởi công nghệ (28%), quan ngại nhu cầu kỹ năng mới đang tăng lên do thay đổi của công nghệ và mô hình kinh doanh (25%).

Từ phía tổ chức, 76% số người được hỏi hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển con người bền vững, chỉ 10% đồng ý rằng, tổ chức của họ đang thực hiện các hành động có tác động hướng tới mục tiêu này.

Khoảng cách cũng tồn tại giữa quan điểm của các giám đốc và người lao động về những nỗ lực phát triển nguồn nhân lực bền vững. Các giám đốc điều hành (89%) cho rằng, tổ chức của họ đang đi đúng hướng trong việc phát triển con người bền vững. Tuy nhiên, người lao động lại không lạc quan đến vậy. Chỉ 41% người lao động đồng ý với quan điểm tổ chức đang phát triển con người bền vững.

Các tổ chức ưu tiên sức khỏe và sự phát triển của con người sẽ tạo ra một vòng lặp phản hồi tích cực

Phát triển con người bền vững: Cần cắm rễ sâu vào văn hóa

Các tổ chức thành công trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức và hành động có nhiều khả năng mở ra tiềm năng của con người. Khả năng đạt được kết quả kinh doanh mong muốn được đưa ra trong các cuộc họp hoặc vượt các chỉ tiêu tài chính tăng 1,8 lần. Khả năng đạt được kết quả tích cực cho con người, tạo ra công việc ý nghĩa cho người lao động tăng 2,1 lần. Do đó, việc rút ngắn khoảng cách giữa nhận thức và hành động là bài toán doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng và sớm đưa vào triển khai.

Phát triển con người bền vững không chỉ là một xu hướng mới, mà còn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bằng cách đặt con người vào trung tâm của chiến lược phát triển, doanh nghiệp có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực, thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, từ đó kiến tạo tác động tích cực đến các bên liên quan gồm khách hàng, người tiêu dùng, cộng đồng.

Phát triển con người bền vững nhấn mạnh một cách tiếp cận toàn diện đối với hạnh phúc của người lao động, tập trung vào sự hài lòng trong công việc và năng suất.

Các tổ chức trên toàn thế giới và Việt Nam nói riêng đang áp dụng nhiều biện pháp để ưu tiên phát triển con người bền vững. Một chiến lược đầu tư vào nguồn nhân lực bài bản nên bắt đầu từ lãnh đạo, với việc tích hợp phát triển con người bền vững vào mục đích cốt lõi, chiến lược và văn hóa của tổ chức. Việc này đòi hỏi thay đổi cơ bản trong cách các tổ chức nhìn nhận và coi trọng nguồn nhân lực của họ. Theo đó, đưa con người vào vị trí trung tâm, xây dựng nơi làm việc đa dạng, công bằng và hòa nhập, đồng thời kết nối nhân viên với ý thức về mục đích và ý nghĩa trong công việc của họ để tạo động lực mạnh mẽ.

Tiếp đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc phát triển kỹ năng liên tục thông qua các chương trình đào tạo để duy trì khả năng cạnh tranh và đảm bảo lực lượng lao động của họ được trang bị cho tương lai.

Bên cạnh các yếu tố lương, thưởng và phúc lợi công bằng, đảm bảo phúc lợi tài chính của nhân viên vốn là điều cần thiết để thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu, các tổ chức cần thực hiện các chương trình phúc lợi toàn diện nhằm giải quyết tất cả các khía cạnh sức khỏe của nhân viên từ thể chất tới tâm lý. Sắp xếp công việc linh hoạt, ví dụ như làm việc từ xa, thời gian linh hoạt có thể cải thiện đáng kể sức khỏe của nhân viên và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Tính minh bạch và báo cáo về tác động xã hội và môi trường cũng nằm trong danh sách các việc cần làm của doanh nghiệp khi các bên liên quan, bao gồm nhà đầu tư, khách hàng và nhân viên, mong đợi các tổ chức chịu trách nhiệm về hành động của họ và thể hiện cam kết của họ đối với tính bền vững.

Trần Thị Thúy Ngọc

Tin khác