Thực hành ESG trong ngân hàng phải đi vào thực chất, có bước tiến vững chắc cụ thể
Vấn đề thực thi ESG tại các ngân hàng có câu chuyện khác nhau. Chia sẻ về bức tranh thực thi ESG tại ngân hàng hiện nay, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết, EY Việt Nam là công ty tư vấn trực tiếp làm việc với các ngân hàng nhận thấy trong ngân hàng chữ G- Governance đã thực hiện khá tốt, ngân hàng là tổ chức phần G quy định chặt chẽ.
“Tuy nhiên, còn E- Environmental và S- Social tại ngân hàng thực thi thường sẽ khó hơn. Tôi quan sát, hầu hết các ngân hàng được khảo sát có khoảng 70% ngân hàng có ý thức về việc này và đang triển khai”, bà Dương nhận định.
Cấp độ thứ nhất, các ngân hàng tự nhận thức, tự đọc các văn bản quy định pháp luật do Chính phủ cũng như các bộ ngành cụ thể ban hành, tổ chức thực hiện theo các văn bản pháp luật, giao cho một Phó Tổng phụ trách và thành lập tổ công tác ESG, đi tham khảo các nước và phối hợp với ban định chế tài chính.
Cấp độ thứ hai, sau khi rà soát xong danh mục tín dụng thấy có nhiều khoản và có định hướng cho vay doanh nghiệp được gắn mác xanh, hoặc thay đổi danh mục sẽ mất thời gian hơn.
Bà Dương phân tích, bản chất ngân hàng là huy động tiền và cho vay ra nên ngân hàng có lợi ích của riêng họ, nó là lợi ích phức tạp. Một mặt ngân hàng phải đảm bảo chỉ tiêu an toàn theo các quy định ngân hàng Nhà nước đưa ra. Thứ hai, đảm bảo lợi ích của cổ đông và thứ ba, giữ tiền đầu tư cho mình, để sau này có thể đầu tư dài hạn.
“Việc cân đối lợi ích trước mắt và lợi ích dài hạn là khó khăn nhất của ngân hàng. Sau khi cân đối xong, chúng ta mới nhận ra một điều không bao giờ có câu chuyện đến vay với lãi suất rẻ hơn với các dự án xanh. Trước đây chúng ta đều nghĩ huy động được nguồn vốn ưu đãi từ tổ chức quốc tế sẽ cho vay với lãi suất tốt hơn, nhưng chuyện đó là không có, có thể thậm chí còn đắt hơn. Bởi doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định, tiêu chí, bản thân các quy định thị trường châu Âu khi xuất khẩu hàng hóa vào để đáp ứng yêu cầu đó đắt hơn”, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam nhận định.
Cấp độ thứ ba, ngân hàng có quy định theo dõi cho vay như nào khi huy động tiền gửi xanh. Như BIDV dành 4,1% tổng dư nợ cho vay xanh, họ cần theo dõi. Nếu không theo dõi sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp tham gia nguồn vốn xanh.
Ngân hàng có khối lượng dữ liệu lớn, đảm bảo tuân thủ quy định và làm sao cân đối được nguồn vốn phân bổ cho vay tín dụng xanh trong tổng nguồn vốn tín dụng đảm bảo tăng trưởng tín dụng.
“Hiện nay Thủ tướng chưa phê chuẩn danh mục xanh, tôi thấy các ngân hàng đã tiên phong họ đã dành nhiều nguồn lực từ nhân sự đến tài chính để tiên phong trong thực hiện, họ đã ý thức được làm sao hy sinh lợi ích ngắn hạn dành cho mục tiêu dài hạn”, bà Nguyễn Thùy Dương cho hay.
Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam cho rằng, các ngân hàng cũng thực tế hơn trong tài trợ dự án xanh. Đơn cử như thay vì tài trợ một dự án bất động sản xanh, tòa nhà xanh, khó đáp ứng, bởi xi măng sắt thép không xanh ngay được, mà làm thực tế hơn trong mảng đầu tư tiêu thụ năng lượng tòa nhà xanh sẽ dễ hơn.
Ngoài ra, bà Dương nhấn mạnh thực hành ESG phải đi vào bản chất, có bước tiến cụ thể, vững chắc thay vì chỉ giải quyết một mặt nào. Thay vì đi vào hình thức phải đi vào nội hàm giải quyết bài toán cụ thể, đặc biệt chiến lược phân bổ vốn, rủi ro về yếu tố khí hậu trong danh mục của mình thay vì chạy theo bề nổi.
“Có nhiều ngân hàng hiện nay mặc dù chưa công bố ra nhưng đang từng bước xây dựng những viên gạch vững chắc trước khi công bố”, bà Dương thông tin.
Hải Minh