1. Kinh doanh

Nuôi 4000 con bò nhưng không lấy thịt hay sữa mà thành tỉ phú nhờ thứ 'vàng mềm' này

Hoàng Bính Quyền (người Quảng Tây, Trung Quốc) vốn xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Gia đình chỉ đủ tiền chu cấp cho ông học hết cấp 2, sau đó, cậu bé Quyền phải ra đời bươn chải từ sớm.

Ý tưởng nuôi bò từ bã rượu

Năm 1986, sau nhiều năm bươn chải, ông Quyền đã tự mở được một nhà hàng của riêng mình. Đây chính là "Nhà hàng Dongyuan" mà sau này được nhiều người yêu thích. Mặt hàng nổi tiếng nhất ở nhà hàng này là rượu thuốc do ông pha chế. Thậm chí sau đó, ông Quyền còn xây dựng được một nhà máy rượu với hoạt động kinh doanh bùng nổ.

Tuy nhiên lúc này, một vấn đề khác lại nảy sinh. Một lượng lớn bã rượu được tạo ra trong quá trình sản xuất rượu, chúng tích tụ lại với số lượng lớn và rất khó để xử lý triệt để.

Nhằm giải quyết số bã rượu khổng lồ, ông bèn nghĩ đến việc nuôi bò. Loài bò có thể ăn hết 40kg thức ăn chăn nuôi mỗi ngày, vậy nếu nuôi bò và để chúng ăn bã rượu, ông sẽ vừa giải quyết được lượng bã rượu tồn đọng khổng lồ, đồng thời không tốn chi phí cho thức ăn chăn nuôi.

Tất nhiên ban đầu, đàn bò chưa quen với việc tiêu thụ bã rượu. Ông Quyền đã thử mọi cách như rải cỏ khô lên trên bã rượu và “dụ” bò ăn dần dần. Sau một thời gian, đàn bò đã thích nghi và có thể ăn bã rượu trực tiếp.

Sau đó, ông Quyền cũng trải qua hàng loạt những thách thức khác như thời tiết khắc nghiệt, các loại bệnh ở bò và nhiều trở ngại khác. Không nản chí, ông liên tục tìm cách ứng dụng công nghệ nông nghiệp vào thức ăn cho gia súc. Kết quả, ông không chỉ thành công giảm được chi phí chăn nuôi mà còn đủ sức nhân rộng số lượng bò lên đến 2.000 con.

Thế nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Số lượng bò tăng mạnh kéo theo lượng phân bò tích tụ ngày càng nhiều.

Từ phân bò đến “mỏ vàng”

Lúc đầu, ông Quyền gom phân bò trong một cái ao xây tạm, nhưng số phân bò này tỏa ra mùi khó chịu, khiến những dân làng xung quanh không hài lòng và phàn nàn không ngừng.

Sau đó, ông Quyền phải nhờ đến chuyên gia hướng dẫn và xây dựng một bể khí sinh học - nơi thu gom, lên men và xử lý khí sinh học từ phân bò. Điều này không chỉ giải quyết được vấn đề mùi hôi mà còn cung cấp năng lượng sạch cho các trang trại chăn nuôi gia súc và nhà máy rượu.

Tuy nhiên, cần một khoảng thời gian nhất định để xử lý khí sinh học từ phân bò, trong khi đàn bò mỗi ngày vẫn đều đặn cho ra “thành phẩm”. Để tăng hiệu suất cho quá trình này, ông Quyền đã đưa một lượng lớn giun đất vào phân bò và đạt hiệu quả mĩ mãn.

Năm 2010, khi nhận ra một cánh đồng muối ở địa phương bị bỏ hoang, ông Quyền tiếp tục đầu tư hàng triệu NDT để cải tạo nơi này thành ao nuôi cá.

Sau khi đưa cá con vào ao cá, ông chất phân bò đã lên men xung quanh ao. Các chất dinh dưỡng có trong phân bò theo nước mưa chảy vào ao, trở thành thức ăn chất lượng cao cho tảo và cá.

Chẳng bao lâu, cá nuôi bằng phân bò phát triển vô cùng mạnh mẽ, năng suất và chất lượng được cải thiện rất nhiều. Điều này đã mang lại cho ông Quyền thêm 1 triệu NDT mỗi năm. Ba năm sau, số lượng gia súc mà ông Quyền sở hữu đã tăng đến hơn 4.000 con.

Tuy nhiên, từ năm 2015, ông Quyền bất ngờ tuyên bố chấm dứt nuôi cá và không bán gia súc nữa. Động thái này khiến những người xung quanh không khỏi bàng hoàng, thậm chí có người còn suy đoán ông gặp vấn đề về tâm lý.

Hóa ra, người đàn ông này đã chuyển sang thử sản xuất phân bón hữu cơ từ phân bò và cung cấp cho những nông dân xung quanh.

Ban đầu, vì nguồn phân bón này còn rất mới lạ nên không có nông dân nào dám sử dụng. Ông Quyền chỉ có thể đưa cho một số hộ nông dân nhỏ, người thân, bạn bè quen biết để thử nghiệm.

Kết quả vô cùng bất ngờ, sau một năm, năng suất cây trồng ở những thửa ruộng được rải phân bò hữu cơ nhìn chung đã tăng hơn 20%. Điều này đã khiến tất cả mọi người có cái nhìn khác về sản phẩm phân bón mới này.

Trong những năm tiếp theo, ông Quyền bắt đầu sản xuất hàng loạt loại phân bón hữu cơ độc đáo này và bán đến nhiều nơi.

Bởi vì loại phân bón này có chất lượng cao và giá thành thấp nên rất được ưa chuộng. Ông Quyền có thể bán được hàng chục nghìn tấn mỗi năm, doanh số bán hàng chỉ tăng không giảm. Có thể nói, phân bò đã trở thành “vàng mềm”, mang lại giá trị kinh tế khổng lồ cho ông Quyền.

Với doanh số bán hàng ổn định, ông Quyền bắt đầu nỗ lực giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả, đồng thời thử nghiệm nhiều công thức khác nhau và bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khác.

Cuối năm 2016, ông Quyền đã phát triển được loại phân bón chất lượng cao, giá thành rẻ và xin cấp bằng sáng chế. Loại phân này có năng suất cao hơn những loại khác, màu sắc cũng đẹp hơn.

Chỉ chưa đầy nửa năm sau khi ra mắt, loại phân bónnày đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong những loại phân hữu cơ được ưa chuộng nhất Trung Quốc. Doanh thu hàng năm của ông Quyền cũng tăng thêm gần 10 triệu NDT (34 tỉ đồng).

Nhờ lợi nhuận khổng lồ từ việc bán phân bón, ông Quyền còn tích lũy được nguồn vốn đáng kể để cống hiến cho quê hương. Người đàn ông này đã dùng một phần lợi nhuận để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho thôn làng. Bên cạnh đó, ông cũng dự định sử dụng phân bò để tái chế nhiều sản phẩm phụ hơn, nhằm giải quyết hoàn hảo vấn đề xử lý chất thải trong trang trại và tăng lợi ích kinh tế.

Ông hợp tác với các viện nghiên cứu khoa học địa phương để phát triển một quy trình mới sản xuất khí tự nhiên sinh học từ phân bò, dự kiến sẽ mang lại cho ông thêm hơn chục triệu NDT lợi nhuận ròng mỗi năm.

Hương Nguyễn (Theo NTV)

Tin khác