1. Tài chính

NHTW Nhật chấm dứt kỷ nguyên kích thích

Thống đốc NHTW Nhật Kazuo Ueda

Theo giới chuyên môn, đây là một bước đi khác hướng tới việc chấm dứt chương trình kích thích kinh tế của BOJ. Theo đó, BOJ sẽ công bố kết quả đánh giá sau cuộc họp chính sách diễn ra ngày 18-19/12, cuộc họp mà BOJ được dự báo sẽ tăng lãi suất từ mức 0,25% hiện tại. Mặc dù BOJ đã tuyên bố kết quả của đợt đánh giá sẽ không có tác động trực tiếp đến chính sách tiền tệ trong ngắn hạn, nhưng kết quả này có khả năng sẽ bao gồm các phát hiện và khảo sát nhằm biện minh cho kế hoạch bình thường hóa chính sách tiền tệ hiện nay.

Đợt đánh giá này, được thực hiện từ tháng 4 năm ngoái khi ông Kazuo Ueda bắt đầu nhậm chức Thống đốc BOJ, là nỗ lực đầu tiên của BOJ nhằm xem xét sâu hơn và phân tích những nhược điểm của việc nới lỏng tiền tệ kéo dài. Những phát hiện của đợt khảo sát có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về các công cụ mà BOJ sẽ sử dụng - hoặc không muốn sử dụng - để đối phó với suy thoái kinh tế tiếp theo.

Đánh giá này cũng có thể bao gồm những gợi ý về các rủi ro mà BOJ có thể tập trung vào khi tiếp tục giảm dần việc mua tài sản và tăng lãi suất. “Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp tài liệu hữu ích để suy nghĩ về chính sách tiền tệ mong muốn trong dài hạn”, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 31/10.

Báo cáo này có thể trở thành một tham khảo hữu ích cho các NHTW khác về hiệu quả của các công cụ nới lỏng phi truyền thống.

Tình trạng giảm phát và trì trệ kinh tế kéo dài của Nhật Bản đã buộc BOJ phải trở thành người tiên phong trong các chính sách phi truyền thống như thực thi chính sách lãi suất bằng không, thậm chí là lãi suất âm, và nới lỏng định lượng. Nhiều NHTW khác sau đó đã sử dụng các biện pháp tương tự để hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid. Tuy nhiên, phần lớn các NHTW này nhanh chóng chấm dứt các biện pháp này khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Chính sách gây tranh cãi nhất diễn ra vào năm 2013 khi BOJ, dưới thời ông Kuroda, đưa ra một chương trình mua tài sản khổng lồ, sau đó kết hợp với lãi suất âm và kiểm soát lợi suất trái phiếu. Mặc dù lạm phát không đạt được mục tiêu 2%, BOJ cũng đã tiến hành một số đánh giá về tác động phụ của việc nới lỏng kéo dài, nhưng chủ yếu để kéo dài thời hạn của các biện pháp kích thích.

Tuy nhiên, đánh giá lần này sẽ có cách tiếp cận khác. Cụ thể, nó sẽ giải thích cách mà các giải pháp kích thích của ông Kuroda chỉ đẩy lạm phát lên 0,7 điểm phần trăm - không đủ để đạt được mục tiêu của BOJ. Đánh giá này cũng sẽ nêu bật những sai sót của chương trình mua tài sản khổng lồ và giới hạn lợi suất trái phiếu của BOJ, vốn đã làm cạn kiệt thanh khoản thị trường, bóp méo định giá tài sản, xói mòn lợi nhuận của các ngân hàng, và buộc các tổ chức tài chính phải tăng cường cho vay rủi ro cao, như trong lĩnh vực bất động sản.

Một điểm đáng lưu ý nữa là các phát hiện và khảo sát cho thấy Nhật Bản đang trải qua những thay đổi về cấu trúc, cho phép BOJ tăng chi phí đi vay. Trong số đó có một cuộc khảo sát do các chi nhánh của BOJ thực hiện, cho thấy nhiều công ty hiện nhìn nhận giá cả và tiền lương tăng theo hướng tích cực hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, BOJ sẽ không đi sâu vào các chủ đề nhạy cảm như chi phí nắm giữ lượng lớn quỹ giao dịch trên sàn (ETF), điều này có thể gây tổn hại đến bảng cân đối kế toán của ngân hàng nếu giá cổ phiếu giảm. Ngân hàng cũng không có khả năng đưa ra ước tính chính xác về lãi suất trung lập của Nhật Bản hoặc mức lãi suất mà chính sách tiền tệ không thắt chặt hay mở rộng.

“Sẽ không có câu trả lời trực tiếp cho nhiều vấn đề mà kết quả đánh giá đề cập đến. Nhưng mục đích là để thảo luận về các bước nới lỏng tiền tệ trong quá khứ và nêu bật một số thay đổi tích cực đang diễn ra trong nền kinh tế”, Mari Iwashita - Chuyên gia kinh tế thị trường trưởng tại Daiwa Securities và là người theo dõi BOJ lâu năm, cho biết. “Đây là một cách tốt để tiến lên và diễn ra vào thời điểm thích hợp, khi Nhật Bản cuối cùng cũng thấy những dấu hiệu ban đầu của lạm phát kéo dài”.

Hoàng Nguyên

Tin khác