1. Tài chính

Ngân hàng hút gần 7 triệu tỷ đồng, doanh nghiệp nào đứng đầu về số dư tiền gửi?

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, tổng số tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng bao gồm dân cư và tổ chức kinh tế tính đến tháng 8 đã đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng đạt 6.838.341,69 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng. Như ở thời điểm cuối tháng 7, lượng tiền mà doanh nghiệp và tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng là 69.586 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường tài chính biến động, tiền gửi có kỳ hạn là phương thức an toàn và ổn định để doanh nghiệp bảo toàn vốn và tăng cường lợi nhuận. Khi lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp cần chiến lược linh hoạt và hiệu quả để tối ưu hóa nguồn vốn.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng đang tăng liên tục từ cuối quý I đến nay, một loạt doanh nghiệp niêm yết sở hữu lượng tiền nhàn rỗi lớn đang hưởng lợi bởi xu hướng này. Nhờ lượng tiền gửi ngân hàng "khổng lồ", bất chấp những biến động của thị trường kinh doanh, các doanh nghiệp này vẫn đều đặn thu về từ vài trăm tỷ đồng lãi tiền gửi.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý III năm nay của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cho thấy doanh nghiệp này tiếp tục giữ vững vị trí “vua tiền mặt” trên sàn chứng khoán khi sở hữu gần 45.000 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng, tăng khoảng 9% so với đầu năm. Đây cũng là số dư tiền cao kỷ lục mà tổng công ty này từng ghi nhận được.

Trong đó: 1.634 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn; 10.439 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng và 32.721 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3-12 tháng.

Hiện, số dư tiền nhàn rỗi này chiếm tới 49% tổng tài sản của PV Gas. Riêng lượng "tiền tươi" mà PV Gas nắm giữ đã lớn hơn vốn hóa của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, bao gồm cả những tên tuổi lớn như Vincom Retail, Hóa chất Đức Giang. Thậm chí nếu so sánh với một số ngân hàng, lượng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp này cũng lớn hơn vốn hóa của một số nhà băng cỡ nhỏ và vừa như MSB, TPBank…

Đáng chú ý, nhờ lượng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng lớn đã mang lại nguồn thu từ lãi rất lớn cho PV Gas, lên đến 1.125 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Bình quân mỗi ngày, công ty có hơn 4 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng thuộc top doanh nghiệp có nhiều tiền gửi. 9 tháng đầu năm nay, số dư tiền gửi ngân hàng của BSR đã tăng hơn 6.280 tỷ đồng, đạt gần 44.280 tỷ đồng. Trong đó: 423 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn; 29.725 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại và 14.122 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn.

Tăng thêm tiền gửi, lũy kế 9 tháng, BSR có gần 927 tỷ đồng lãi tiền gửi. Mỗi ngày, doanh nghiệp nhận khoảng 3,4 tỷ đồng từ lãi tiết kiệm. Khoản tiền gửi này đóng góp đáng kể cho tổng doanh thu của BSR.

Một số doanh nghiệp khác như FPT và Masan, Đường Quảng Ngãi cũng ghi nhận mức tăng tiền gửi trong 9 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, Tập đoàn FPT ghi nhận số dư tiền gửi ngân hàng ở thời điểm cuối tháng 9/2024 là 27.373 tỷ đồng, chiếm 41% tổng tài sản. Lãi tiền gửi ghi nhận là gần 865 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày doanh nghiệp thu về hơn 3 tỷ đồng lãi từ việc gửi tiền vào ngân hàng.

Tập đoàn Masan cũng thu lãi tiền gửi, cho vay và hoạt động đầu tư hơn 1.514 tỷ đồng trong 9 tháng. Mỗi ngày, doanh nghiệp có lãi hơn 5,6 tỷ đồng. Theo báo cáo, Masan có 12.390 tỷ đồng tiền gửi, chiếm 8% tổng tài sản.

Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng có 7.064 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 15% so với đầu năm. Số này chiếm 54% tổng tài sản của công ty. Với số tiền trên, Đường Quảng Ngãi thu về gần 175 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng, tương đương mỗi ngày doanh nghiệp này có lãi gần 650 triệu đồng.

Danh sách các doanh nghiệp ngồi trên "núi tiền" còn có một loạt doanh nghiệp vốn hóa lớn như Vinhomes (hơn 22.000 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam -GVR (gần 19.000 tỷ đồng). Hay nhóm doanh nghiệp bán lẻ với Thế Giới Di Động -MWG (hơn 20.250 tỷ đồng); nhóm thực phẩm và đồ uống có Vinamilk (gần 26.000 tỷ đồng), Sabeco (hơn 18.600 tỷ đồng); hay nhóm công nghệ có Viettel Global (gần 32.000 tỷ đồng), FOX (gần 10.000 tỷ đồng).

Theo phân tích của một chuyên gia, tiền gửi có kỳ hạn mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp. Trước hết, tính an toàn và ổn định là một ưu điểm nổi bật. Khoản tiền gửi được bảo đảm an toàn và không chịu sự biến động của thị trường, giúp doanh nghiệp yên tâm về nguồn vốn của mình. Đồng thời, lãi suất cố định là một lợi ích quan trọng. Với lãi suất được thỏa thuận trước, doanh nghiệp có thể dự đoán chính xác khoản lãi thu về, từ đó dễ dàng lập kế hoạch tài chính dài hạn.

Thanh Hoa

Tin khác