1. Tài chính

Kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 16-18% trong năm 2025

Trong báo cáo mới nhất của Dragon Capital, kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những dấu hiệu phục hồi rõ rệt sau ảnh hưởng từ bão Yagi. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 10/2024 đã đạt 51,2 điểm, tăng mạnh so với mức 47,3 điểm của tháng 9, cho thấy các hoạt động sản xuất đang lấy lại đà tăng trưởng.

Hoạt động thương mại cũng cải thiện đáng kể, với kim ngạch xuất khẩu đạt 35,6 tỷ USD (tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước) và nhập khẩu đạt 33,6 tỷ USD (tăng 13,8%). Thương mại dự kiến sẽ tiếp tục sôi động vào cuối năm, nhờ nhu cầu mùa lễ hội tăng cao và động thái tích trữ hàng hóa của doanh nghiệp Mỹ và châu Âu trước các chính sách mới của chính quyền Trump. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sơ bộ đạt 780 tỷ USD, tăng 15,5%, với thặng dư thương mại gần 25 tỷ USD.

Nguồn: Dragon Capital.

Tuy nhiên, sự mạnh lên của đồng USD trong tháng 10 đã tạo áp lực không nhỏ lên thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam. Đồng VND giảm 2,9% giá trị, dự trữ ngoại hối thu hẹp hơn 20 tỷ USD so với đỉnh 110 tỷ USD, và tổng tiền gửi bằng USD trong hệ thống ngân hàng giảm xuống còn 39,5 tỷ USD.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có các biện pháp kịp thời nhằm ổn định thị trường, như phát hành tín phiếu, duy trì lãi suất liên ngân hàng trên 4%/năm và sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết. Nhờ đó, tỷ giá VND/USD hiện ổn định quanh mức 25.300 - 25.400, gần với ngưỡng điều hành của NHNN.

Dù vậy, những biến động tỷ giá dự báo sẽ tiếp tục, hạn chế khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời đẩy vai trò chính sách tài khóa lên hàng đầu trong việc hỗ trợ nền kinh tế.

Cũng theo phân tích của Dragon Capital, sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Trump đặt ra hai kịch bản đối với Việt Nam. Trong trường hợp Mỹ tăng cường các biện pháp bảo hộ, áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm xuống mức 6,0%, với lợi nhuận doanh nghiệp suy yếu.

Tuy nhiên, kịch bản lạc quan hơn là Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định trong khoảng 6,5% - 7,0% vào năm 2025.

Bất chấp áp lực từ đồng USD và dòng vốn ngoại rút ròng, triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khả quan nhờ các yếu tố nội tại. Lợi nhuận quý III/2024 của các doanh nghiệp lớn trong phạm vi nghiên cứu tăng 19% so với cùng kỳ, củng cố kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 ở mức 16%-18%. Các doanh nghiệp này đang giao dịch với P/E dự phóng 11,6 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm qua, cho thấy dư địa giảm tiếp là không lớn.

Trong tháng 10 vừa qua, VN-Index giảm 1,8% nhưng vẫn tăng 11,9% từ đầu năm, bất chấp áp lực bán ròng từ khối ngoại với giá trị lũy kế 3 tỷ USD. Đà phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết cùng sự hỗ trợ từ các chính sách tài khóa và đầu tư trong nước là cơ sở cho niềm tin vào khả năng phục hồi bền vững của thị trường trong giai đoạn tới.

Thu Hương

Tin khác