Ký ức của phóng viên tờ Wall Street Journal về đại dịch Covid-19
Vào một buổi sáng thứ sáu se lạnh, ngập nắng hồi cuối tháng 3 năm 2020, tôi ngồi trước hiên nhà ở Brooklyn, đắm mình trong bầu không khí tĩnh lặng kỳ quặc và kiểm tra email. Đó là tuần thứ ba của đại dịch virus corona và Thành phố New York đã ngừng hoạt động.
Cơ quan của tôi lúc bấy giờ, tờ The Wall Street Journal, đã đóng cửa từ hai tuần trước cùng toàn bộ thành phố, và tôi đã bắt đầu thói quen uống cà phê sáng ngoài trời, một hành động có vẻ vừa là một sự đổi thay đầy phấn khích trong nhịp sống, vừa là một hành vi nổi loạn âm thầm. Đứng hàng đầu trong hộp thư của tôi là email từ một trong các biên tập viên của tôi ở tạp chí, với dòng tựa đề: “Tai vạ tháng Ba”.
Mảng của tôi trong tờ Journal là Phố Wall - dòng tiền luân chuyển giữa các ngân hàng lớn, các tập đoàn khổng lồ, và các nhà đầu tư đứng sau chúng. Tôi đã dành mấy tuần vừa qua để viết về các ảnh hưởng tiêu cực của con virus đối với các thị trường tài chính.
Sau một thập kỷ thuận buồm xuôi gió, hiện các thị trường này đang rơi vào hoang mang cùng cực. Nhưng tác động còn vượt rất xa phạm vi thế giới của các nhà giao dịch đầy nhạy cảm. Con virus được gọi bằng cái tên đơn giản “Covid” đến lúc đó đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hàng nghìn người đau ốm. Không ai mua bất cứ thứ gì.
Các cuộc sa thải hàng loạt được công bố mỗi ngày. Đó là một sự kiện địa chấn đối với nền kinh tế toàn cầu, với tác động lan rộng theo mọi hướng. Nhiệm vụ mà biên tập viên giao cho tôi ngày hôm đó là phải cố gắng làm sao để lột tả khoảnh khắc này và mức độ phức tạp của nó.
Bài báo được viết ra sau đó, xuất bản vào thứ Bảy đầu tiên của tháng 4, là một biên niên sử dài 8.000 chữ về tháng 3 năm 2020, tháng mà thế giới ngừng hoạt động. Nó kể câu chuyện của hơn hai chục giám đốc tập đoàn và nhà đầu tư khi họ phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong sự nghiệp của mình.
Qua hết cuộc phỏng vấn này đến cuộc phỏng vấn khác, một điều dần trở nên rõ ràng. Đó là giới tinh hoa kinh tế cũng choáng váng chẳng kém gì đám còn lại chúng ta. Đối với hầu hết bọn họ, và ngay với tôi cũng vậy, thập kỷ vừa qua là một chặng đường yên ả.
Tôi trở thành phóng viên tài chính vào đầu thập kỷ, vào năm 2011, thời điểm khởi đầu của một giai đoạn kinh tế hóa ra lại buồn tẻ và êm đềm bất ngờ. Cổ phiếu tăng. Nợ rẻ. Lợi nhuận của các doanh nghiệp vươn lên những kỷ lục mới. Không có ai trên các sàn giao dịch Phố Wall đánh mất một khoản tiền lớn đến đáng hổ thẹn, hoặc chí ít là không mất theo cách có thể trở thành đề tài cho những bài báo om sòm.
Tôi đã viết về cuộc bùng nổ sáp nhập và ghi chép lại quá trình làm ăn có lãi trở lại của ngành ngân hàng sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Việc này cũng khá thú vị, và tôi đã học được rất nhiều điều. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy hơi ghen tị với những người đi trước, những người đã tạo dựng được danh tiếng của họ bằng việc đưa tin từ tâm bão của những cuộc khủng hoảng trong quá khứ.
Và rồi đột nhiên, một cuộc khủng hoảng ập đến.
Đương nhiên, ban đầu nó chẳng có vẻ gì giống một cuộc khủng hoảng cả. Trong lịch sử gần đây chưa từng có sự kiện nào giống như cuộc bùng phát của đại dịch virus corona vào những tháng đầu năm 2020. Và rồi, đột nhiên, nó trở thành điều hệ trọng duy nhất.
Liz Hoffman/NXB Trẻ