Kinh tế Mỹ sẽ ra sao thời Trump 2.0
Một số nhà dự báo kinh tế cho biết nền kinh tế Mỹ đang ổn định hướng tới năm 2025, với tỷ lệ thất nghiệp thấp, mức tăng lương vững, lãi suất giảm và lạm phát đang dần trở lại mức bình thường sau nhiều năm giá cả tăng nhanh. Việc xây dựng nhà máy khởi sắc và những cơ sở này sẽ dần mở cửa trong những năm tới.
Song sắp tới, chưa thể dự đoán chính xác chính sách của Nhà Trắng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ ra sao. New York Times nhận định sự trở lại của ông Donald Trump khiến mức độ không chắc chắn này tăng lên một bậc.
Ông Trump đã đề xuất hoặc ám chỉ đến một loạt chính sách có thể định hình nền kinh tế Mỹ theo những cách khác nhau. Trong đó có tăng mạnh thuế quan, trục xuất hàng loạt, hay căng thẳng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - một cơ quan thiết lập lãi suất.
Thuế quan
Có một điều các nhà kinh tế học đều đồng tình khi nhắc tới chính sách của ông Trump: Các đề xuất thuế quan có thể làm tăng giá hàng hóa và thúc đẩy lạm phát, nhưng không rõ phạm vi tác động.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, việc ông Trump áp thuế quan đã đẩy giá cả tiêu dùng, nhưng chỉ tăng nhẹ. Song trong chiến dịch tranh cử lần này, tổng thống đắc cử đưa ra góc nhìn bao quát hơn. Ông có nhiều kế hoạch khác nhau, nhìn chung là thuế quan và thuế suất toàn diện lên tới 60% trở lên với hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo Omair Sharif - người sáng lập Inflation Insights, khó có thể lấy tác động từ các loại thuế quan áp dụng vào năm 2018 và so sánh với các mức thuế mới, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc.
Các mức thuế áp dụng năm 2018 chủ yếu ảnh hưởng nặng nề tới hàng hóa trung gian như nhôm, thép và các nguyên liệu kinh tế khác, chứ không phải sản phẩm cuối cùng mà người tiêu dùng tiêu thụ hàng ngày. Các mức thuế mới, ngược lại, nhắm đến hàng hóa tiêu dùng phổ thông, dẫn tới nguy cơ tác động trực tiếp tới lạm phát, ông Sharif chia sẻ.
Song có rất nhiều yếu tố không chắc chắn khi nói tới thuế quan. Các quốc gia sẽ phản ứng thế nào? Điều chỉnh tiền tệ có giảm tác động không? Và liệu Fed có tăng lãi suất nếu mức thuế quan cao dẫn tới lạm phát?
Năm 2018, các chuyên gia Fed tin rằng tác động từ thuế quan lên giá cả có thể được kiểm soát, miễn là người tiêu dùng và nhà đầu tư tin tưởng lạm phát sẽ duy trì ổn định. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome H. Powell thừa nhận tình hình hiện tại đã thay đổi.
6 năm trước, lạm phát chậm lại nên tác động từ thuế quan lên giá cả không quá lớn. Hiện nay, lạm phát ở mức cao và tăng nhanh, khiến giá cả nhạy cảm hơn với các yếu tố như thuế quan.
“Không thể đưa ra nhận định rõ ràng cho tới khi có các chính sách cụ thể và thậm chí sau đó, tác động vẫn còn khó đoán”, ông Powell cho biết.
Trục xuất
Không chỉ có thuế quan, nhiều người đang đặt câu hỏi không rõ chính sách nhập cư sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế.
Ông Trump nhiều lần cam kết sẽ thực hiện kế hoạch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Đôi khi, tổng thống đắc cử còn ám chỉ sẽ cải cách chính sách nhập cư với người có trình độ cao.
“Những người tốt nghiệp đại học, tôi biết có người sẽ muốn tự động nhận được thẻ xanh để có thể ở lại đất nước này”, ông nói trên podcast All In.
Cải cách hệ thống nhập cư hợp pháp cho người lao động có trình độ cao cần sự can thiệp từ Quốc hội, và chiến dịch tranh cử của ông cũng không nhắc tới kế hoạch này.
Còn với người lao động có trình độ thấp, trên một số khía cạnh, chính quyền Mỹ có thể đơn phương trục xuất họ. Song chưa rõ họ có thể trục xuất bao nhiêu người, bởi khó truy tìm và trục xuất cùng lúc số lượng lớn, các trường hợp bị kẹt tại tòa án hay những người nhập cư mới có thể thế chỗ người mới bị trục xuất.
Goldman Sachs ước tính chính quyền Trump có thể trục xuất từ 300.000 đến 2,1 triệu người vào năm 2025. Mức thấp dựa trên xu hướng từ nhiệm kỳ trước, và mức cao dựa trên xu hướng từ chính quyền Eisenhower vào những năm 1950, một hình mẫu ông Trump muốn noi theo.
Kent Smetters - chuyên gia từ Mô hình Ngân sách Penn Wharton - cho rằng giả sử Nhà Trắng trục xuất vài trăm nghìn người trong năm đầu tiên, điều này sẽ có tác động tương đối nhỏ tới tăng trưởng hoặc lạm phát so với quy mô nền kinh tế Mỹ.
Bãi bỏ quy định
Ông Trump cam kết sẽ giảm giá xăng còn một nửa, nhờ bãi bỏ quy định kết hợp với sức ép chính trị. Giới phân tích cho rằng tổng thống đắc cử có thể tác động phần nào, nhưng vì xăng là sản phẩm toàn cầu và các công ty chịu chi phí chung, nên chưa rõ mức giảm là bao nhiêu.
“Nếu ông Trump bãi bỏ quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, giá xăng có thể giảm 15-25%”, Patrick De Haan - Giám đốc phân tích dầu mỏ tại GasBuddy - cho biết. Giá khó có thể xuống thấp hơn mức đó, bởi còn thuế bang, nhân công, chi phí mặt bằng, chi phí vận chuyển,...
Ông Haan dự đoán khả năng cao nhất giá xăng trung bình toàn nước Mỹ sẽ dao động quanh mốc 3 USD trong mùa hè tới.
"Tổng thống không có đũa thần. Ông ấy không thể buộc các nhà sản xuất dầu của Mỹ bất chấp kinh tế và sản xuất thua lỗ", vị chuyên gia chia sẻ.
Dự đoán tổng thế
Ngay cả khi mọi thứ còn mơ hồ, nhiều nhà đầu tư và người tiêu dùng tin rằng các chính sách của ông Trump sẽ thúc đẩy nền kinh tế.
Thị trường tài chính khởi sắc sau tin đảng Cộng hòa chiến thắng, được thúc đẩy bởi niềm tin về bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế. Chính sự lạc quan này - và sự không chắc chắn về cuộc bầu cử không còn - đã thúc đẩy một số người và doanh nghiệp chi tiêu và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, xu thế này lại mở ra một câu hỏi khác: Nếu nền kinh tế Mỹ phát triển quá mạnh, Fed sẽ can thiệp để giữ tốc độ tăng trưởng nằm trong tầm kiểm soát. Nhà Trắng không có quyền kiểm soát trực tiếp với cách Fed đặt lãi suất. Cơ quan này đã tìm cách hạ nhiệt tình hình trong 2 năm qua khi duy trì chi phí vay ở mức cao. Mục tiêu là "hãm phanh" nền kinh tế và kiểm soát lạm phát đang tăng nhanh.
Khi giá cả đang dần giảm, Fed bắt đầu hạ lãi suất, nhưng vẫn chưa quyết định sẽ dừng ở mốc bao nhiêu. Các quan chức có thể dừng sớm hơn nếu nền kinh tế tăng tốc nhờ giảm thuế hoặc các chính sách tài khóa khác, vì tăng trưởng mạnh hơn có thể đưa giá cả tăng nhanh hơn bình thường.
Song ông Trump khả năng cao sẽ không hài lòng nếu lãi suất giữ ở mức cao. Trong nhiệm kỳ đầu, ông thường xuyên chỉ trích Fed vì không cắt giảm lãi suất, và cam kết sẽ đưa lãi suất xuống thấp trong nhiệm kỳ 2.
Nhưng tổng thống không có thẩm quyền pháp lý sa thải chủ tịch Fed. Gần đây, ông Trump nói sẽ không định làm vậy với ông Powell, “đặc biệt nếu ông ấy làm điều đúng đắn”.
Nhiều cố vấn của ông Trump khuyên không nên tìm cách loại bỏ hoặc giáng chức chủ tịch Fed, bởi sẽ gây xáo trộn thị trường. Trong khi đó, nhiệm kỳ của ông Powell sẽ kết thúc vào năm 2026. Ông Powell từng nói nếu ông Trump sa thải hoặc giáng chức ông là không hợp pháp, nên có thể sẽ đưa vấn đề này ra tòa.
Nếu ông Trump cố gắng hoặc thành công tác động đến Fed, nhiều nhà kinh tế học lo ngại động thái này có thể mở đường cho lạm phát ngoài tầm kiểm soát.
Phương Linh