Khối tài sản khổng lồ của Elon Musk phụ thuộc lớn vào hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ
Hiện là người giàu nhất thế giới, ông Elon Musk kiếm được khối tài sản khổng lồ một phần nhờ sự đổi mới sáng tạo của các công ty do ông làm chủ. Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, tài sản của ông cũng có một phần lớn đến từ các chính sách liên bang cũng như hợp đồng với Chính phủ Mỹ. Đây là những yếu tố quyết định thành công tài chính của 2 công ty lớn nhất của ông: Công ty xe điện Tesla và startup khai phá vũ trụ SpaceX.
Ông Musk gần đây được Tổng thống đắc cử Donald Trump lãnh đạo một cơ quan mới có tên là “bộ hiệu quả chính phủ”. Với vai trò mới này, vị tỷ phú sẽ "cung cấp lời khuyên và hướng dẫn từ bên ngoài chính phủ” để tìm ra các phương thức để phá bỏ sự quan liêu, cắt giảm các quy chế giám sát, giảm chi tiêu và tái cấu trúc các cơ quan chính phủ. Theo đó, ông sẽ góp phần định hướng các chích sách trong một loạt vấn đề cũng như với nhiều cơ quan của chính phủ, bao gồm các cơ quan quản lý các doanh nghiệp của mình.
Ngày 19/11, ông Musk và ông Trump đã cùng theo dõi vụ phóng thử tên lửa của SpaceX. Đây là tên lửa một ngày nào đó có thể đưa con người trở lại Mặt trăng và thậm chí lên sao Hỏa. Mức độ cam kết của Chính phủ Mỹ với nỗ lực này có thể góp phần đáng kể vào thành công tài chính tương lai của SpaceX.
Nhiều người đặt câu hỏi bao nhiêu phần tài sản của ông Musk đến từ những chính sách của Chính phủ Mỹ trong 10-15 năm qua. Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
HỖ TRỢ CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH PHỦ
Theo một số phương pháp tính, con số này là “rất ít”. Đơn cử, theo danh sách 500 người giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaire Index, ông Musk hiện sở hữu tài sản 326 tỷ USD và các công ty của ông “chỉ” nhận khoảng vài chục tỷ USD từ các hợp đồng và chương trình của Chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, theo một số phương pháp khác, gần như toàn bộ tài sản của tỷ phú giàu nhất thế giới có sự góp phần của Washington. Từ những ngày đầu ra đời và tồn tại đến nay, Tesla nhận được hỗ trợ từ nhiều chính sách của bang và liên bang, cũng như nhiều hợp đồng và khoản vay từ chính phủ.
“Nền tảng của sự thành công về mặt tài chính của ông Musk chính là Chính phủ Mỹ”, ông Daniel Ives, nhà phân tích công nghệ của công ty Wedbush Securities, nhận xét.
Trên thực tế, giá trị hiện tại của Tesla và SpaceX từ trước đến nay không đến từ lợi nhuận mà từ triển vọng của công ty.
Theo ước tính của Bloomberg, kể từ khi ông Trump thắng cử, giá trị tài sản đến từ dự báo của giới đầu tư về triển vọng tăng trưởng tương lai của Tesla và SpaceX sẽ tươi sáng hơn khi ông Musk sẽ trở thành cố vấn về các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái. Đặc biệt là khi ông cũng sẽ là người tham vấn về ngân sách dành cho những cơ quan từng khiến các công ty của ông gặp rắc rối pháp lý.
Với Tesla, từ những ngày thành lập, công ty không giành được nhiều hợp đồng với chính phủ nhưng nhận được nhiều sự hỗ trợ quan trọng.
Vào tháng 1/2010, Tesla được thành lập và mới chỉ bán được chưa tới 2.000 xe điện. Sau đó, công ty nhận được một khoản vay lãi suất thấp 465 triệu USD từ Bộ Năng lượng Mỹ, vài tháng trước khi niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Với khoản vay này, công ty phát triển mẫu xe Model S, mang lại thành công lớn đầu tiên. Tới năm 2013, công ty trả được khoản vay trước thời hạn nhờ số tiền huy động được qua phát hành thêm cổ phiếu.
Sau đó, chính sách ưu đãi thuế 7.500 USD của Chính phủ cho khách hàng mua xe điện đã giúp Tesla cũng như các nhà sản xuất khác bán xe điện với giá cao hơn. Theo tính toán của CNN, khách hàng mua xe Tesla nhận được ưu đãi thuế liên bang trị giá tổng cộng 3,4 tỷ USD trước khi chính sách này hết hiệu lực vào cuối năm 2019. Chính sách được khôi phục vào năm 2023 theo Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền của Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, ông Musk kêu gọi chính quyền Trump sắp tới chấm dứt ưu đãi này. Điều này dường như ảnh hưởng tới lợi ích của Tesla nhưng thực tế sẽ là một đòn giáng với các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang muốn giành thị phần tại thị trường xe điện Mỹ. Không còn ưu đãi thuế cho khách hàng, những công ty đó sẽ phải chấp nhận lỗ nhiều hơn trong mảng xe điện hoặc ngừng bán dòng xe này. Tất cả những điều này sẽ giúp giảm cạnh tranh cho Tesla.
“Hãy dừng khoản trợ cấp đó, điều này sẽ giúp ích cho Tesla”, ông Musk viết trong một đăng tải trên mạng xã hội X hồi tháng 7.
Tuy nhiên, hỗ trợ tài chính lớn nhất từ chính phủ với Tesla không phải là ưu đãi thuế dành cho khách hàng mua xe điện mà đến từ tín dụng carbon. Tesla, với tư cách một hãng xe điện, bán tín dụng carbon cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang phải tuân thủ các quy định giảm khí thải nhà kính của các bang và liên bang.
Dù lợi ích này không đến trực tiếp từ ngân sách chính phủ nhưng nếu không có các quy định thì cũng sẽ không có hàng tỷ USD chảy vào túi Tesla. Năm 2008, tiền bán tín dụng carbon chiếm gần 25% doanh thu của công ty và 10% trong 5 năm sau đó.
Khoản tiền này đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tài chính của Tesla, trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận từ xe điện của công ty chưa đủ để duy trì hoạt động. Trong một đăng tải trên X vào năm 2020, ông Musk thừa nhận rằng Tesla suýt phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản vào khoảng năm 2019. Khi đó, giá cổ phiếu công ty giảm mạnh do khó khăn trong việc tăng sản lượng mẫu sedan Model 3.
Kể cả khi nguy cơ phá sản giảm bớt, tới năm 2021, công ty vẫn không thể báo lãi nếu không có khoản tiền từ việc bán tín dụng carbon. Trong lịch sử của Tesla, số tiền này là gần 11 tỷ USD và được cộng với lợi nhuận ròng của công ty.
“Nếu không có số tiền này, Tesla sẽ không thể trở thành một thương hiệu xe điện toàn cầu như hiện nay và ông Musk sẽ không thể trở thành người giàu nhất thế giới”, ông Ives nhận xét.
NHỮNG HỢP ĐỒNG TỶ USD VÀ TRIỂN VỌNG TRĂM TỶ USD
Trong khi đó, thành công về mặt tài chính của công ty khởi nghiệp khai phá vũ trụ SpaceX của ông Musk đến từ các hợp đồng trực tiếp trị giá hàng tỷ USD với chính phủ. Theo vòng gọi vốn mới nhất, SpaceX hiện được định giá khoảng 250 tỷ USD và ông Musk được cho là đang nắm giữ khoảng 50% cổ phần.
Theo USASpending.gov, trang cơ sở dữ liệu chi tiêu của chính phủ Mỹ, SpaceX đã ký các hợp đồng trị giá gần 20 tỷ USD với các cơ quan chính phủ. Trong đồng hợp đồng quan trọng nhất được ký ngay trước Giáng sinh năm 2008, khi cả SpaceX và ông Musk đều gần như cháy túi. Đó là hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD để thực hiện 12 sứ mệnh cung ứng hàng hóa cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
“Hợp đồng này giúp SpaceX hoàn thiện tên lửa Falcon 9 – sản phẩm chính của công ty – và tàu vũ trụ chở hàng Dragon”, ông Casey Dreier, cố vấn chính sách vũ trụ cấp cao của tổ chức Planetary Society, nhận xét. “Ông Musk cũng từng thừa nhận rằng thời điểm đó công ty đang đứng trước bờ vực vỡ nợ và hợp đồng trên đã cứu sống công ty".
Theo ông Dreier, hợp đồng với SpaceX đã giúp Cơ quan hàng không và vũ trụ (NASA) đưa nhà du hành vũ trụ Mỹ lên không gian mà không phải phụ thuộc vào Nga.
Sau hợp đồng này, SpaceX cũng giành được nhiều hợp đồng khác với NASA cũng như các cơ quan quân sự và cơ quan chính phủ khác của Mỹ. Đơn cử là hợp đồng 3 tỷ USD để phát triển phương tiện chở người lên Mặt trăng.
“Cũng giống các nhà thầu khác của NASA, SpaceX được hưởng lợi từ việc tiếp cận được đội ngũ chuyên gia cũng như chuyên môn của cơ quan này”, ông Dreier nhận xét.
Theo ông Ives, nếu chính quyền của ông Trump tăng ngân sách cho các nỗ lực đưa người trở lại Mặt trăng và lên sao Hỏa của NASA, giá trị của SpaceX có thể dễ dàng tăng lên 500 tỷ USD hoặc hơn.
“Giá trị 250 tỷ USD của SpaceX là một ước tính khá thận trọng”, ông Ives nhận xét.
Ngọc Trang