Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thành Bích: Điểm tựa cho phụ nữ nông thôn
Tận tâm với nghề
Năm 19 tuổi, chị Võ Thị Thúy Kiều bắt đầu học may rồi mở một tiệm nhỏ để kiếm sống. Lúc đó, như bao thợ may ở nông thôn khác, chị chỉ nhận may những loại trang phục cơ bản như sơ mi, đồ bộ phục vụ nhu cầu người dân địa phương. Chị vừa làm vừa học để nâng cao tay nghề.
“Nhiều người bỏ ngang vì nghề này cực, lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu. Từ thực tế đó, tôi vừa làm vừa nghĩ cách chuyển đổi để duy trì công việc”- chị tâm sự. Chị Kiều không còn thụ động chờ khách đến đặt may từng bộ đồ lẻ mà nghĩ đến việc may gia công. Chỉ có một mình, nên khi số lượng hàng tăng thêm, chị phải tìm thợ làm phụ. Có hôm chị làm việc đến tận khuya mới xong.
Với sự chăm chỉ và nỗ lực của chị, cơ sở may dần phát triển. Sau đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã hỗ trợ, cơ sở phát triển thành tổ hợp tác may với 6 thành viên do chị Kiều làm tổ trưởng.
10 năm trước, chị bắt đầu chuyển đổi kinh doanh, nhận may đồng phục học sinh cho các trường học trên địa bàn xã. “Lúc đó không có kinh nghiệm gì, tôi phải ôm cân, thước đến trường để lấy số đo cho các cháu, rồi ghi chép, tự rút kinh nghiệm dần. Bây giờ việc may đồ không còn vất vả nữa vì có thể ước được số đo các cháu theo từng số tuổi, cấp học”- chị Kiều chia sẻ.
Sự tận tâm, chỉn chu của chị trong công việc khiến cho khách hàng tin tưởng, số đơn đặt hàng dần tăng. Cứ mỗi dịp hè, cơ sở may lại tất bật làm việc đến khuya để kịp thực hiện những đơn hàng cho mùa tựu trường.
Năm 2023, chị quyết định đi học khóa thiết kế thời trang tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, chị Kiều từng nhận may đồ công sở nhưng không nhiều. Sau khóa học, chị đã mạnh dạn nhận đơn. Đến nay, chị có thêm nhiều đơn hàng mới từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài địa phương.
Theo chị Kiều, quần áo công sở là mặt hàng chủ lực được phát triển tại cơ sở trong thời gian tới. Chị nói: “Tôi muốn học thêm để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một tốt hơn. Bởi nếu muốn theo đuổi thì phải đầu tư để thích ứng với sự thay đổi không ngừng của ngành thời trang. Mỗi bộ trang phục phải chỉn chu, lên phom phải sang, mang đến sự hài lòng cho người mặc”.
Hiện tại, cơ sở của chị Kiều may đa dạng các sản phẩm từ đồng phục học sinh, công sở đến các loại áo dài, quần áo thời trang. Tuy nhiên, cơ sở chưa đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm; khách hàng chủ yếu truyền tai nhau tìm đến. Chị mong muốn có thêm khách hàng mới nhưng chưa thực hiện được vì còn ít vốn.
Khởi nghiệp từ nghề may, với cách làm năng động, kịp thời thay đổi để phù hợp sự phát triển chung, chị Kiều tự nâng cấp tay nghề, tạo ra sản phẩm đẹp phục vụ khách hàng. Không những vậy, chị còn tạo việc làm cho nhiều chị em.
Hơn 20 năm làm việc, chị Kiều cho biết vui nhất là khi khách hàng quay trở lại. “Chúng tôi có những khách hàng lâu năm và tôi rất vui khi họ luôn tin tưởng dù còn là học sinh hay đã đi làm. Tôi nghĩ rằng làm việc gì cũng cần có cái tâm. Những sản phẩm của chúng được may kỹ lưỡng từng đường kim, mũi chỉ và có độ bền như may cho chính người thân của mình mặc vậy”.
Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn
Năm 2023, Tổ hợp tác may của chị Kiều phát triển thành HTX dịch vụ nông nghiệp Thành Bích. Chị Kiều trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX với 32 thành viên, hỗ trợ tạo việc làm cho 15 phụ nữ tại địa phương.
Theo chị, do công việc ngày càng phát triển nên địa phương đã hỗ trợ nâng tổ hợp tác lên thành HTX để tạo thêm nhiều việc làm cho chị em. Đến nay, trung bình lương của mỗi thợ từ 5-6 triệu đồng/tháng. Nếu có tay nghề thì còn cao hơn, có thể lên 10 triệu đồng. Thợ làm ăn lương tháng hoặc theo sản phẩm, có thể làm việc tại chỗ hoặc mang về nhà làm gia công nên rất phù hợp với điều kiện của chị em- nhất là những người bận bịu việc gia đình, đưa rước con nhỏ.
Chị Đinh Thị Hồng Gấm (ngụ ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng) làm việc tại cơ sở may của chị Kiều 7 năm nay. Công việc chính của chị là cắt, may sản phẩm, tùy theo lượng hàng mà thu nhập có thể từ 8-10 triệu đồng/tháng. Chị Gấm cho biết, sau khi lập gia đình, do có con nhỏ nên chị chủ yếu làm việc tại nhà.
Chị Nguyễn Hồ Minh Thi (ngụ ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng) làm công việc ủi đồ tại cơ sở được 5 năm, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng. Chị Thi là thợ may, trước đây nhận may gia công sản phẩm ở nơi khác nhưng nguồn hàng không ổn định, công việc bấp bênh. Sau đó, chị xin vào làm tại cơ sở và gắn bó cho đến nay. Đối với chị Thi, đây là công việc phù hợp và ổn định với điều kiện sống tại nông thôn.
Theo chị Tô Thị Linh Thảo- Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Năng, HTX dịch vụ nông nghiệp Thành Bích đang làm tốt việc giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương. Hội LHPN xã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, trao vốn khởi nghiệp cho các chị. Trong năm, Hội đã hỗ trợ cho 6 chị, mỗi chị 5 triệu đồng để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
“Hội mong muốn sẽ có thêm nhà đầu tư tham gia đầu tư, tạo điều kiện cho HTX phát triển. Từ đó, HTX tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu hút nhiều chị em tham gia hơn”- chị Linh Thảo bày tỏ.
Vi Xuân - Trúc Ly