1. Kinh doanh

Hóa giải bài toán quản trị gen Z trong kỷ nguyên công nghệ

Trưởng thành và bước vào thị trường lao động trong bối cảnh số hóa và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, gen Z đã thổi luồng gió mới vào môi trường công sở, từ cách giao tiếp đến văn hóa “đa nhiệm”.

Tuy nhiên, quản trị gen Z trong môi trường số cũng đặt ra không ít thách thức cho các nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, đó là làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu tự chủ, linh hoạt và sáng tạo của thế hệ này, vừa duy trì được tính kỷ luật và hiệu quả làm việc chung.

Sự ảnh hưởng của công nghệ lên cách làm việc của gen Z

Một ngày làm việc của Hải Anh, một nhân viên sáng tạo nội dung, bắt đầu bằng việc kiểm tra Google Calendar để nắm lịch họp và thời hạn hoàn thành công việc. Sau đó, cô bắt đầu xử lý các nhiệm vụ thường ngày như viết nội dung, lập báo cáo, theo dõi tiến độ công việc... qua Google Workspace, giao tiếp với đồng nghiệp qua Google Chat.

Hải Anh chia sẻ: "Hiện tại, công việc marketing của mình gần như xoay quanh các công cụ kỹ thuật số. Google Workspace và Workplace là hai nền tảng mình sử dụng nhiều nhất. Các công cụ này không chỉ giúp lưu trữ tài liệu một cách có tổ chức mà còn cho phép mình chia sẻ và cấp quyền truy cập dễ dàng mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi không ở văn phòng"

Nhật Linh, một chuyên viên phân tích dữ liệu cũng có cách làm việc tương tự. "Mình đã sử dụng cả Slack, Teams, và Google Workspace. Chúng giúp việc giao tiếp từ xa trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Các nhiệm vụ và deadline đều được phân chia rõ ràng, và mọi thông tin được lưu trữ an toàn, dễ tìm thấy khi cần," cô chia sẻ.

Với Hải Anh, Nhật Linh nói riêng và thế hệ Z nói chung, công nghệ không chỉ là công cụ mà còn là môi trường giúp họ làm việc độc lập và chủ động hơn. Việc được tự quyết định cách sử dụng các nền tảng và công cụ hỗ trợ tạo cho họ cảm giác tự do trong công việc, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.

Hải Anh ưa thích tốc độ và sự tiện lợi của các công cụ giao tiếp online. "Khi trao đổi qua Google Chat, mình cảm thấy công việc trở nên liền mạch hơn, có thể giải quyết vấn đề ngay lập tức," Hải Anh chia sẻ. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận rằng không phải công cụ nào cũng hoàn hảo. "Có những lúc Google Chat không tiện vì dễ bị bỏ sót tin nhắn trong chuỗi hội thoại. Nhưng mặt khác, mình có thể tắt thông báo ngoài giờ làm để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân."

Nhật Linh lại có suy nghĩ khác về các công cụ giao tiếp trực tuyến. "Nếu thông tin đã rõ ràng thì trao đổi qua Slack rất nhanh chóng và tiết kiệm thời gian. Mình không cần gặp mặt trực tiếp mà vẫn có thể xử lý công việc hiệu quả. Đặc biệt, Slack giúp mình lưu lại mọi cuộc hội thoại, tránh tình huống ‘nói xong quên mất’,” Linh hài hước chia sẻ.

Không chỉ giúp gen Z giao tiếp nhanh chóng, linh hoạt, các công cụ công nghệ còn hỗ trợ thế hệ lao động trẻ xử lý đa nhiệm hiệu quả hơn. Hải Anh cho biết cô thường sử dụng Google Calendar để lên lịch các cuộc họp và Google Tasks để theo dõi tiến độ các dự án. "Mình có nhiều công việc diễn ra cùng lúc và các công cụ này giúp mình quản lý thời gian và sắp xếp công việc một cách khoa học," cô giải thích.

Tương tự, Nhật Linh cũng sử dụng công nghệ để theo dõi và phân bổ thời gian cho các dự án khác nhau. "Mình có thể kiểm soát được khối lượng của mình nhờ các công cụ theo dõi tiến độ như Jira hay Trello. Chúng giúp mình dễ dàng quản lý thời gian và đảm bảo mọi nhiệm vụ đều hoàn thành đúng hạn," Linh chia sẻ.

Không chỉ giúp gen Z giao tiếp nhanh chóng, linh hoạt, các công cụ công nghệ còn hỗ trợ thế hệ lao động trẻ xử lý đa nhiệm hiệu quả hơn.

Câu chuyện của Hải Anh và Nhật Linh chỉ là một đại diện tiêu biểu cho gen Z - thế hệ mà công nghệ đã ăn sâu vào từng khía cạnh của cuộc sống và công việc. Theo một nghiên cứu từ Dell Inc., có đến 80% gen Z mong muốn làm việc tại những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại. Không chỉ vậy, trong quá trình lựa chọn công việc, 91% gen Z cho rằng yếu tố công nghệ là quyết định.

Đặc biệt trong bối cảnh lực lượng nhân sự gen Z gia tăng mạnh mẽ tại các doanh nghiệp, điều này đặt ra thách thức lớn cho các nhà quản trị trong việc xây dựng môi trường làm việc đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của thế hệ mới, đồng thời phải duy trì tính kỷ luật và hiệu quả làm việc chung.

Quản trị gen Z trong kỷ nguyên công nghệ

Từ góc nhìn của nhà quản trị, lực lượng lao động gen Z lớn lên cùng công nghệ, không chỉ mang lại nguồn năng lượng mới mà còn tạo ra nhu cầu thay đổi trong cách quản lý và sử dụng các công cụ công nghệ.

Theo anh Ngô Quang Cường, Chủ tịch công ty Vạn Đắc Phúc, với 30% đội ngũ nhân sự thuộc gen Z, đây chính là động lực thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm quản lý dự án như Trello, Asana hay Slack để theo dõi tiến độ, tăng cường sự linh hoạt và hiệu quả cũng như điều kiện cho gen Z phát huy năng lực.

Ở chiều ngược lại, theo chị Nguyễn Thị Thanh Vi, Trưởng bộ phận Marketing & Sales tại Indochine Counsel, việc ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại không chỉ hỗ trợ gen Z dễ dàng theo dõi tiến độ công việc, chia sẻ thông tin và cải thiện sự phối hợp nhóm, mà còn giúp nhà lãnh đạo doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả hơn, đồng thời tận dụng được sự linh hoạt và khả năng thích nghi nhanh chóng của thế hệ này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quản trị hiệu quả gen Z trong môi trường số vẫn đối mặt với không ít thách thức. Anh Cường nhận định, việc cân bằng giữa tính tự do và kỷ luật là một bài toán khó. Gen Z đề cao sự linh hoạt, không thích bị bó buộc bởi các quy định cứng nhắc. Một số bạn trẻ thậm chí chấp nhận bị phạt thay vì tuân thủ giờ làm nghiêm ngặt.

Còn đối với chị Thanh Vi, một trong những thách thức lớn khi làm việc với gen Z trong môi trường số là sự khác biệt trong phong cách giao tiếp và tốc độ tiếp cận công nghệ mới giữa các thế hệ.

“Gen Z thường ưu tiên các nền tảng trực tuyến và sử dụng nhiều thuật ngữ, xu hướng mới, trong khi đội ngũ quản lý đôi khi gặp khó khăn trong việc theo kịp hoặc đồng bộ với những công nghệ mà gen Z đã quen thuộc. Điều này dễ dẫn đến sự thiếu kết nối, cảm giác nhàm chán ở các nhân sự trẻ và thậm chí ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc”, chị Vi cho biết.

Một trong những thách thức lớn khi làm việc với gen Z trong môi trường số là sự khác biệt trong phong cách giao tiếp và tốc độ tiếp cận công nghệ mới giữa các thế hệ.

Ngoài ra, việc chưa tích hợp các hệ thống quản lý hiện đại như ERP hay CRM cũng khiến việc theo dõi tiến độ và phối hợp công việc gặp hạn chế, tạo áp lực lên cả hai phía trong quá trình làm việc.

Để vượt qua những khó khăn này, anh Cường và chị Vi đều cho rằng, chìa khóa nằm ở việc điều chỉnh phương thức quản lý sao cho phù hợp với đặc điểm của gen Z. Anh Cường chia sẻ, để giữ được sự cân bằng giữa tự do và kỷ luật, công ty đã áp dụng chính sách làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên lựa chọn thời gian và không gian làm việc phù hợp. Điều này không chỉ giúp nhân viên cảm thấy thoải mái mà còn tăng cường tính chủ động và sáng tạo trong công việc. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng vào việc xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, nơi các nhân viên có thể thoải mái đóng góp ý kiến và phát huy tối đa năng lực cá nhân.

Để thu hẹp khoảng cách thế hệ trong giao tiếp và làm việc, chị Vi đã chủ động cập nhật các công nghệ mới, thay đổi phương thức giao tiếp linh hoạt hơn, đồng thời giải thích rõ ràng lý do đằng sau các quy trình cần tuân thủ. Bằng cách này, chị đã giúp nhân viên gen Z hiểu được tầm quan trọng của sự tuân thủ quy trình trong công việc, đồng thời tạo được sự kết nối và đồng cảm với các nhân viên trẻ tuổi.

Đồng thời, cả hai nhà quản trị đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ và hệ thống quản lý hiện đại. Việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ như ERP và CRM giúp nâng cao hiệu quả công việc, theo dõi tiến độ và đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận. Đây là một yếu tố quan trọng giúp giảm bớt áp lực công việc và giữ vững mối quan hệ làm việc hiệu quả giữa các thế hệ trong doanh nghiệp.

Nhìn chung, việc quản lý hiệu quả và khai thác tiềm năng của gen Z trong môi trường công nghệ số đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược quản lý linh hoạt. Việc tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, tôn trọng sự sáng tạo và cá tính riêng là yếu tố quan trọng giúp gen Z phát huy tối đa năng lực. Đồng thời, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, cung cấp công cụ hỗ trợ kỹ thuật số hiện đại và các chương trình đào tạo liên tục để giúp thế hệ này nâng cao kỹ năng và thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi.

Trong thời đại số, việc tìm ra phương thức quản lý phù hợp không chỉ giúp tối ưu hóa tiềm năng của gen Z mà còn góp phần xây dựng một lực lượng lao động mạnh mẽ, sáng tạo và đột phá, sẵn sàng chinh phục những thách thức mới, dẫn đầu xu hướng và tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp.

Vân Anh

Tin khác