Hai đời nghị định bị coi thường
Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh, đi vào hoạt động năm 2019. Nó ra đời để chuẩn bị nguồn lực vận hành tuyến Metro số 1 của thành phố.
Ban đầu, công ty được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng, và đến năm 2021 thì tiêu hết số tiền này, rơi vào cảnh thiếu kinh phí. Đến tháng 11/2023, thành phố quyết định điều chỉnh tăng vốn điều lệ cho công ty lên 286 tỷ đồng.
Trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch Đầu tư, nơi các doanh nghiệp nhà nước buộc phải đăng tải kết quả và kế hoạch kinh doanh, tài liệu mới nhất mà công ty này công khai là… báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022. Đã hơn hai năm trôi qua, qua một lần báo hết tiền và được cấp thêm tiền, họ không cập nhật thêm gì.
Metro số 1 chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng chính như vậy, người dân lại càng muốn biết công ty này đang cầm tiền và tiêu tiền ra sao, trả lương cho lãnh đạo và nhân viên thế nào. Họ đang quản lý hàng trăm tỷ đồng ngân sách, và chưa tạo ra doanh thu.
Còn rất nhiều doanh nghiệp nhà nước bí hiểm như thế đang ngang nhiên tồn tại.
“Không tìm thấy bản ghi nào”
Để mô tả ngắn gọn Nghị định 81/2015 và sau này là Nghị định 47/2021, các doanh nghiệp nhà nước phải công bố kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính, báo cáo về thực trạng quản trị, cơ cấu tổ chức và kế hoạch kinh doanh cho người dân biết.
Doanh nghiệp nhà nước cầm tiền của nhà nước (của dân) kinh doanh thì phải cáo bạch. Nó hiển nhiên như nhà trường phải tổ chức họp phụ huynh mỗi năm hai lần. Đây là một cách tiếp cận minh bạch, văn minh, và đã trở thành quy định pháp luật từ gần 10 năm trước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng một cổng thông tin để đăng tải những tài liệu phải công khai (tại địa chỉ business.gov.vn).
Nhưng website này, cuối cùng, trở thành nơi chứa một chuỗi những câu chuyện buồn bất tận. Buồn, vì khi bạn click chuột vào một cái tên doanh nghiệp nhà nước, rất có thể bạn sẽ nhận ra quyền giám sát của mình bị coi thường. Và đằng sau mỗi doanh nghiệp nhà nước, không chỉ là một vài chục hay trăm tỷ đồng tiền vốn, mà còn mang câu chuyện của cả lĩnh vực họ được giao phó.
Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (thuộc Bộ Y tế) đến nay mới chỉ nộp Báo cáo thực trạng quản trị và Báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm… 2021. Với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước, công ty này không chỉ có nhiệm vụ kinh doanh lấy lợi nhuận, họ gánh trách nhiệm cùng Bộ chủ quản giải quyết các vấn đề vắc xin trong nước, trong đó có chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nhiều năm nay, chương trình tiêm chủng mở rộng đối mặt với vấn đề thiếu vắc xin. Theo TTXVN, việc thiếu vắc xin cho chương trình này đã kéo dài từ năm 2022, thậm chí dẫn đến việc nhiều địa phương không đạt tỷ lệ tiêm chủng, có đến 14 tỉnh có tỷ lệ chỉ đạt 20%.
Trả lời TTXVN, năm 2023, lãnh đạo công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 nói rằng một trong những lý do khó đáp ứng nhanh các gói thầu của chương trình là vì họ “không dám sản xuất số lượng lớn”; và nguyên nhân là tại “nhiều lý do khách quan”.
Nhưng lý do khách quan là gì? Người dân có nên được biết hay không? Trong bản báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, công ty có liệt kê ra nhiều khó khăn của mình, trong đó có việc giá vắc xin đặt hàng đã lỗi thời, chưa được duyệt lại; hay trang thiết bị nhà xưởng đã xuống cấp.
Công chúng nắm bắt thông tin doanh nghiệp không chỉ để kiểm điểm, soi mói sai phạm. Trong tư cách các tổ chức mang trên mình cả sứ mệnh kinh doanh lẫn sứ mệnh phụng sự (và thường nhận Huân chương Lao động vì sứ mệnh đó), người dân cần biết khó khăn của công ty, để có thực thi giai đoạn “dân bàn” hay thậm chí là “dân làm”. Nếu công ty gặp khó vì quy trình của Bộ chủ quản, khó vì thiếu vốn đầu tư, cử tri có thể sẽ lên tiếng. Vắc xin là một vấn đề sinh tử của cộng đồng.
Nhưng công ty im hơi lặng tiếng đã gần ba năm qua.
Một ví dụ tiêu biểu khác, cho thấy rằng mặc dù tên công ty là “trách nhiệm hữu hạn” nhưng bởi họ là doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm với cộng đồng thực ra rất nặng nề. Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất (thuộc UBND thành phố Hà Nội) chỉ quản lý một hạ tầng rộng 50ha và ít kiến trúc xây dựng. Nhưng với tư cách là công viên lớn nhất nội đô Hà Nội, nó liên quan đến chất lượng sống của hàng triệu người. Những người già và trẻ nhỏ hàng ngày đi bộ trên những con đường gạch đã nát, nhấp nhô, những hố ga xung quanh đã sụt lún thành cái bẫy, không giống vấn đề của một khu giải trí tư nhân, chán thì dân đi chỗ khác.
Trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công viên Thống Nhất cũng mới công bố báo cáo tài chính đến năm 2022. Trong bản này, “Tiền chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác” của công ty năm đó giảm, từ hơn 700 triệu đồng xuống hơn 500 triệu đồng. Và thông tin chỉ dừng lại ở đó. Hơn hai năm trôi qua, những con đường loang lổ đầy vết nứt và ổ voi giữa lòng thủ đô trở thành cuộc đay nghiến định tính giữa báo chí và công ty, hay UBND thành phố.
Đó chỉ là vài cái tên quen thuộc cho độc giả dễ tưởng tượng. Có thể tìm thấy cả trăm ví dụ khác, của những doanh nghiệp có 100% hay hơn 50% vốn nhà nước, về việc ngang nhiên không tuân thủ pháp luật và lờ đi quyền giám sát của người dân.
Thật khó để tưởng tượng có một quy định pháp luật mà đến một nửa đối tượng điều chỉnh công khai không chấp hành.
Khó, khi bạn thử tưởng tượng một con đường đông đúc mà có đến một nửa lái xe có nồng độ cồn trong máu. Khó, nếu bạn cố tưởng tượng ra cảnh một nửa cơ sở sản xuất thực phẩm trên thị trường không đăng ký giấy chứng nhận an toàn.
Khó đến mức bực bội, nếu bạn cố nghĩ ra viễn cảnh một nửa số trường phổ thông trong cả nước… từ chối họp phụ huynh (có lẽ chỉ một trường dám làm vậy thôi cũng ồn ào lắm rồi).
Ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông được quy định bởi Nghị định 100/2019. Chứng nhận của cơ sở sản xuất thực phẩm được quy định trong Nghị định 15/2018. Việc phụ huynh có quyền góp ý vào hoạt động của trường học là nội dung của Nghị định 24/2021.
Còn việc các doanh nghiệp nhà nước phải công khai thông tin về hoạt động kinh doanh, đã được quy định qua hai nghị định. Thường xuyên có đến một nửa số đối tượng không chấp hành, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cũng có thể tưởng tượng ra những quy định ra đời nhưng chưa thể đi vào thực tiễn. Thường lý do là chế tài không phát huy hiệu quả vì đối tượng điều chỉnh “không có tóc”. Đơn cử như các quy định lên các hàng quán lề đường hay gánh rong, rất khó điều chỉnh.
Nhưng chúng ta đang nói đến các doanh nghiệp nhà nước, những tổ chức được điều khiển bởi các vị mũ cao áo dài, đôi lúc có học hàm và nhiều học vị.
Và cuộc kinh doanh của những người “có tóc” này vẫn mang dáng vẻ của những gánh rong lề đường.
Không thể giám sát, tinh gọn thế nào
Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có vốn điều lệ 96 tỷ đồng. Nếu chịu khó tìm trên Google, bạn sẽ thấy rằng tỷ suất sinh lời trên vốn chủ của công ty (ROE) của công ty này trong 6 tháng đầu năm 2024 đang âm. Nhưng bạn chỉ biết đến thế thôi.
Tại sao âm, và âm bao lâu rồi, có vay nợ nhiều không, và rốt cục thì toàn bộ sự tồn tại của cái doanh nghiệp này có ý nghĩa thế nào với nhân dân, là bạn chịu. Vì họ không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Tuyệt đối. “Không tìm thấy bản ghi nào”.
Khi bàn đến tinh gọn bộ máy, chúng ta đặt các bộ phận của chính phủ lên bàn cân, và tìm hiểu xem chúng hoạt động thế nào. Điều này chỉ nhằm trả lời một câu hỏi tối hậu: Chúng có xứng đáng tồn tại hay không? Mục tiêu cuối cùng là để đi đến hệ nhị phân Không và Có. Nếu câu trả lời là Có, mới bàn đến việc cải thiện, cải tiến hoạt động.
Doanh nghiệp nhà nước không thể nằm ngoài phổ xem xét này. Những bản cáo bạch từ Công viên Thống nhất, Từ Công ty Tài nguyên và Môi trường, từ Vắc xin và Sinh phẩm số 1 không chỉ nhằm tìm “củi lửa”. Cử tri có thể tham gia tích cực bằng quyền lực của mình, giúp họ hoàn thành sứ mệnh. Tất nhiên là sau khi trả lời rằng họ xứng đáng tồn tại.
Trong những cái tên 100% vốn nhà nước trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khảo sát nhanh, có thể nhận ra rằng phần lớn các nhà xuất bản thuộc các Bộ đều không công bố kết quả kinh doanh và tình hình quản trị.
Nhà xuất bản Thế giới, nhà xuất bản Văn học và nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch), nhà xuất bản Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), nhà xuất bản Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), nhà xuất bản Y học (Bộ Y tế), nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên Môi trường),... tất cả đều “Không tìm thấy bản ghi nào”.
Ngược lại, những doanh nghiệp nổi tiếng vì lãi lớn, như các công ty xổ số kiến thiết các địa phương, lại đặc biệt tuân thủ việc công bố thông tin, từ các bản báo cáo theo năm đến nửa năm. Nhìn vào báo cáo của một công ty, ví dụ như Công ty Xổ số Kiến thiết Ninh Thuận, bạn sẽ biết rằng năm rồi họ bán được 36 triệu vé, nộp thuế 77 tỷ đồng và tổng quỹ lương là 15 tỷ đồng... Chưa bàn đến hiệu quả kinh doanh, trong công chúng hình thành một ý niệm tối thiểu về sự-tồn-tại-của-doanh-nghiệp. Doanh nghiệp không tồn tại ở cái tên hay ở bộ chủ quản, nó tồn tại bằng các con số 36 triệu và 15 tỷ kia.
Khi nhìn vào danh sách các doanh nghiệp không công bố thông tin, chúng ta thậm chí không thể trả lời câu hỏi rằng sự tồn tại của nó có cần thiết không? Liệu có cần nhiều nhà xuất bản như thế hay có thể tinh gọn – như chính chủ trương dành cho các bộ chủ quản mà Đảng và chính phủ đang đưa ra không? Có những hạ tầng hay lĩnh vực nào mà doanh nghiệp nhà nước đang tiếp nhận hiệu quả, hay giao cho tư nhân? Không thể trả lời được, vì sự tồn tại của chúng là hoàn toàn mơ hồ.
Trong số các nhà xuất bản thuộc bộ, có một nhà xuất bản đang tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin, là Nhà xuất bản Giáo dục. Nhưng đơn vị này, ở giai đoạn năm 2017-2018, giai đoạn mà thanh tra phát hiện ra rất nhiều sai phạm trong kinh doanh (và dẫn tới kỷ luật, tù tội cho lãnh đạo), cũng rất chậm trong việc công bố thông tin.
Bản thân cổng thông tin của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng có vấn đề: năm 2018, khi chúng tôi khảo sát Nhà xuất bản Giáo dục, vẫn thấy có bản báo cáo kết quả kinh doanh đến năm 2017 (nghĩa là rất chậm, nhưng vẫn có). Đến nay tìm lại thì không có bản ghi nào trước năm 2021.
Trong những năm đầu tiên thực hiện Nghị định 81, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn “ghi sổ đầu bài” đều đặn những doanh nghiệp không chịu công bố thông tin. Con số giai đoạn đó rất kinh hoàng, khi có năm đến 60% doanh nghiệp không công bố. Những con số khiến người quan sát tưởng rằng sẽ phải có biện pháp quyết liệt, khi pháp luật bị coi thường trên diện rộng.
Mọi thứ đang dừng lại ở lời dọa phạt “từ 10 đến 15 triệu đồng” nếu không công bố thông tin (?). Từ vài năm qua Bộ không còn thống kê con số doanh nghiệp trốn nghĩa vụ nữa; cũng không biết có doanh nghiệp nào đã bị phạt hẳn 15 triệu vì vi phạm pháp luật chưa.
“Dân biết” là mệnh đề đầu tiên trong nguyên tắc thực thi dân chủ tại nước ta. Dân không biết, thì mệnh đề ngay sau đó, là “dân bàn” bị vô hiệu hóa.
Việc không thể trả lời được về tính hợp lý, sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp nhà nước, khiến cho việc bàn về hiệu quả của chúng là vô nghĩa.
Và tất cả đáng ra đã có thể bắt đầu rất đơn giản. Bằng một nguyên tắc minh bạch tối thiểu, bằng việc tuân thủ pháp luật của những người có trách nhiệm nêu gương trước pháp luật. Nhưng pháp luật, qua gần 10 năm và hai lần nghị định, qua rất nhiều phản ánh của báo chí và các cơ quan thống kê, chỉ có thể dùng động từ “bị coi thường” để mô tả.
Đức Hoàng