1. Tài chính

Giao dịch liên kết: Nhiều quy định vẫn 'lấn cấn' mức độ khả thi

Chốt tỷ lệ doanh nghiệp được vay lẫn nhau

Theo dự thảo lần thứ 3 của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP mà Bộ Tài chính vừa công bố (đã tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương), phương án sửa đổi các quy định về tỷ lệ nợ vay lẫn nhau của các doanh nghiệp được xem là có giao dịch liên kết đã được xác định và luật hóa.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định sửa đổi các Điểm d, Điểm k Khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Theo đó, quy định: “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (…) với điều kiện tổng dư nợ các khoản vốn vay của doanh nghiệp đi vay với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”.

Các doanh nghiệp có giao dịch vay vốn lẫn nhau như kể trên được xem là các bên có giao dịch liên kết, loại trừ một số trường hợp, bao gồm: “Bên bảo lãnh hoặc cho vay là tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các TCTD, không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều hành, kiểm soát, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được bảo lãnh” hoặc “Bên bảo lãnh hoặc cho vay là tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các TCTD và doanh nghiệp đi vay không trực tiếp, gián tiếp chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn đầu tư của một bên khác”.

Các trường hợp doanh nghiệp khác (bao gồm cả chi nhánh hạch toán độc lập thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia theo sửa đổi tại Điểm k Khoản 2 Điều 5 cũng được tính là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết với nhau.

Ngoài ra, Dự thảo bổ sung thêm Điểm m, Khoản 2 Điều 5, quy định: “Tổ chức tín dụng với công ty con hoặc với công ty kiểm soát hoặc với công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật các TCTD và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có) sẽ được xem là các bên có giao dịch liên kết.

Một số địa phương và tổ chức đề nghị tăng mức khống chế lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ 30% lên 50%, tuy nhiên Bộ Tài chính giữ quan điểm ở mức 30% theo dự thảo Nghị định

Riêng các quy định về phối hợp quản lý, dự thảo Nghị định cũng bổ sung Khoản 2 Điều 21, quy định NHNN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm “phối hợp, cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết trên cơ sở danh sách do Cơ quan thuế yêu cầu, bao gồm dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc lãi) và các thông tin khác (nếu có).

Ngoài ra, NHNN cũng có trách nhiệm “phối hợp cung cấp thông tin về người liên quan của TCTD và công ty liên kết của TCTD theo hệ thống thông tin dữ liệu quản lý của NHNN khi cơ quan thuế đề nghị”.

Nhiều quy định vẫn “lấn cấn” mức độ khả thi

Theo Bộ Tài chính, hiện nay sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, hộ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã được gửi đến Bộ Tư pháp để thẩm định và trình Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, theo quan sát, tổng hợp các ý kiến từ các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có thể thấy, trong bản dự thảo Nghị định gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã giữ lại quan điểm ở nhiều điều, khoản và giải thích chưa thực sự thuyết phục với các ý kiến, kiến nghị từ các bộ, ngành liên quan đến hoạt động giao dịch liên kết và chi phí lãi vay.

Chẳng hạn, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, Bộ Tài chính nên bỏ “công ty liên kết của các TCTD” ra khỏi Điểm m, Khoản 2, Điều 5. Lý do là vì: Luật các TCTD 2024 không quy định khái niệm “công ty liên kết” cho mục đích quản lý thuế, vì thế Nghị định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết không cần phải quy định đồng bộ với Luật các TCTD 2024.

Ngoài ra, Luật các TCTD 2024 (Khoản 24, Điều 4) quy định về người có liên trong một số trường hợp cần xác định theo yêu cầu bằng văn bản của NHNN thông qua hoạt động thanh tra, giám sát. Nếu quy định như Điểm m, Khoản 2 Điều 5 mà Bộ Tài chính đề nghị thì sẽ gây khó khăn cho các TCTD và công ty liên kết trong việc xác định các bên có quan hệ liên kết nếu người có liên quan của TCTD cũng góp vốn vào doanh nghiệp khác và không báo cáo cho TCTD.

Từ đó, các bên sẽ không thể xác định được thời điểm hình thành quan hệ liên kết và có thể không tuân thủ được các yêu cầu của Nghị định 132/NĐ-CP, dẫn tới nguy cơ vi phạm pháp luật rất cao. Chưa kể rằng, tỷ lệ 11% vốn điều lệ doanh nghiệp là tỷ lệ khá thấp, chưa đủ để một TCTD có đủ thẩm quyền, cơ sở để kiểm soát, chi phối công ty liên kết để từ đó xác định TCTD và công ty đó là các bên liên kết và cần kiểm soát về mức giá giao dịch.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính viện dẫn lý do đảm bảo thống nhất về pháp lý và ngăn ngừa việc chuyển giá, tránh thuế vẫn bảo lưu quan điểm giữ lại toàn bộ quy định bổ sung Điểm m, Khoản 2, Điều 5 của dự thảo Nghị định.

Hay đối với các điểm sửa đổi, bổ sung tại Điểm k, Khoản 2 Điều 5, Cục Thuế tỉnh Long An cho rằng, cách quy định chung chung của Bộ Tài chính sẽ gây khó khăn trong việc xác định thế nào là “doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kia”.

Chẳng hạn, trường hợp một doanh nghiệp cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tư hoặc sản phẩm đầu vào để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khác, hoặc doanh nghiệp kiểm soát 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp khác, Cục Thuế tỉnh Long An cho rằng không thể xác định được các bên có phải là có mối quan giao dịch liên kết hay không nếu chỉ căn cứ vào Điểm k, Khoản 2 Điều 5 của dự thảo Nghị định.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính giải thích rằng, thực tế để xác định doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khác cần căn cứ từng hợp đồng cụ thể, từng trường hợp cụ thể và bản chất từng hoạt động, giao dịch. Vì thế không quy định “cứng” thế nào là điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế giữa hai doanh nghiệp với nhau và giữ nguyên các đề xuất bổ sung tại dự thảo Nghị định.

Điều này rõ ràng sẽ khiến việc xác định quan hệ giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trên thực tế khi Nghị định được ban hành và nguy cơ xử lý không đồng bộ, không thống nhất trong mọi trường hợp và có sự khác biệt trong các thời điểm, các địa phương về cùng một vấn đề liên quan.

Thạch Bình

Tin khác