1. Kinh doanh

Đông Anh phát triển các mô hình sản xuất ở vùng bãi

Chăm sóc vườn quất cảnh tại vùng bãi xã Tàm Xá (huyện Đông Anh).

Những ngày này, người dân vùng bãi xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) đang tất bật chăm sóc những vườn quất cảnh để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán sắp tới. Vốn là vùng trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải nổi tiếng của huyện, song do hiệu quả kinh tế thấp, người dân vùng bãi ven sông Hồng đã chuyển sang trồng quất cảnh. Qua 15 năm chuyển đổi, đến nay, Tàm Xá đã trở thành vùng trồng quất cảnh nổi tiếng của Thủ đô.

Ông Nguyễn Viết Ánh (ở xã Tàm Xá) chia sẻ, gia đình ông chuyển sang trồng quất từ năm 2007, với diện tích 7.200m2. Trung bình mỗi năm vườn quất của gia đình ông cung cấp cho thị trường hơn 200 cây, với giá bán bình quân 2 triệu đồng/cây. Dịp Tết năm 2023, gia đình ông thu được khoảng 400 triệu đồng từ vườn quất cảnh.

Theo Chủ tịch UBND xã Tàm Xá Lê Huy Du, cả xã có 85ha trồng quất cảnh, chiếm 1/3 diện tích nông nghiệp của xã. Quất Tàm Xá giờ đã trở thành "thương hiệu" mạnh, địa chỉ cung cấp quất uy tín cho Thủ đô và một số tỉnh, thành phố lân cận.

Còn ở vùng bãi của xã Mai Lâm, những hàng bưởi trĩu quả xanh ngát cả một vùng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mai Lâm Bùi Xuân Lâm cho hay, đất vùng bãi rất màu mỡ, phù hợp với các loại cây ăn quả và cảnh quan, môi trường vùng bãi cũng là điều kiện lý tưởng để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái.

“Hiện hợp tác xã có gần 2ha trồng bưởi Diễn, cam Canh, ổi Đài Loan (Trung Quốc), táo… Những năm gần đây, người dân vùng bãi Mai Lâm đã gắn phát triển du lịch với nghề trồng cây ăn quả. Vào dịp cuối năm, người dân khắp nơi đổ về đây để mua hàng, chụp ảnh lưu niệm, tham quan. Mô hình này không chỉ giúp người dân bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, mà còn quảng bá rộng rãi sản phẩm cây ăn quả của xã”, ông Lâm cho hay.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, để giúp vùng trồng bưởi Mai Lâm nói riêng và các địa phương khác nói chung, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Cùng với đó, Sở hỗ trợ các địa phương thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, nhiều địa phương đã phát triển trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm, cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Thủ đô.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, những năm qua, phát huy lợi thế vùng bãi, huyện Đông Anh đã hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng trồng hoa, cây cảnh với diện tích 150ha, chủ yếu là hoa đào, quất cảnh, hoa hồng, hoa ly, chậu hoa cảnh các loại và vùng cây ăn quả được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn với diện tích khoảng 50ha. Ngoài ra, huyện còn hơn 40 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, cho hiệu quả kinh tế cao. Điều đáng nói, các mô hình đã đạt tiêu chí xanh, sạch, tạo không gian xanh, điều hòa cho vùng ven của Thủ đô.

Trồng cây ăn quả, hoa và rau kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm trên đất bãi ở Đông Anh đã góp phần không nhỏ vào việc tăng thu nhập cho người dân. Để nhân rộng mô hình, huyện đã phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn tìm kiếm thị trường ổn định, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện để sản phẩm tham gia các phiên chợ, hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm và mô hình. Huyện cũng hướng dẫn người dân tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật trồng cây ăn quả, hoa, rau… tại vùng bãi theo hướng hữu cơ, quy trình sản xuất VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành các chuỗi sản phẩm hiệu quả, an toàn, thuận lợi cho tiêu thụ.

Có thể thấy rằng, sự chuyển mình ở vùng đất bãi Đông Anh những năm qua đã mang đến một không gian mới, một mô hình mới trong phát triển nông nghiệp của huyện và Thủ đô, đón đầu xu hướng đô thị trong tương lai.

Đỗ Minh

Tin khác