1. Kinh doanh

Đinh Thanh Phong, Nhà sáng lập Gazano: Bỏ công nghệ để… chăm sóc giày da

Đinh Thanh Phong, Nhà sáng lập Gazano.

Chăm sóc giày bằng cái “tâm”

Trong căn phòng rộng hơn 20 m2 tại một tòa nhà 4 tầng trên phố Võ Văn Dũng (Đống Đa, Hà Nội), Nhà sáng lập Đinh Thanh Phong hào hứng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về hành trình khởi nghiệp của mình. Căn phòng là nơi khởi nguồn của hàng loạt video chia sẻ về giày da đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, cũng là nơi anh thường dùng để đào tạo học viên.

Phong đưa cho chúng tôi xem một chiếc bàn chải đánh giày. Thoạt trông, sản phẩm này cũng tương tự những chiếc bàn chải đánh giày thông thường khác, nhưng Phong cho biết, nó có giá lên tới 1 triệu đồng. Những mẫu bản chải khác mà cửa hàng của anh sử dụng cũng có giá 300.000 - 400.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, trong bộ đồ nghề chăm sóc giày da của Gazano còn có nhiều loại dung dịch chuyên nghiệp (như kem dưỡng da, xi đánh dày, xà phòng vệ sinh, chai dưỡng bóng...) của các thương hiệu có tuổi đời cả trăm năm trên thế giới.

Đại diện Gazano cho biết, giá đánh giày “vỉa hè” chỉ vài chục ngàn đồng mỗi đôi, còn tại Gazano, mức giá cho một lần chăm sóc giày da vào khoảng 250.000 đồng tới 1 triệu đồng. Thời gian chăm sóc giày khoảng 1,5 - 2 giờ, nhưng khách hàng thường phải chờ 4 - 5 ngày để nhận lại đôi giày đã được chăm sóc.

Không phải ai cũng dám bỏ một công việc đang ổn định để chuyển sang một công việc mà mình chẳng biết tương lai như thế nào. Đồng nghiệp cũ của tôi giờ đã mua nhà, mua xe... Tôi chẳng có gì, nhưng tôi có sự tự do.

“Trước tiên, những đôi giày phải ‘xếp hàng’ chờ đến lượt. Quá trình này mất khoảng 3 ngày, vì hiện đã vào mùa cao điểm. Sau đó, đến khâu chăm sóc và lưu kho thêm 1 ngày để thẩm định lại chất lượng, rồi mới bàn giao cho khách hàng”, Phong lý giải.

Theo Nhà sáng lập Gazano, văn hóa chăm sóc giày da du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Không giống như cách làm “xuề xòa” của nhiều thợ đánh giày hiện tại, những đôi giày thời đó được trau chuốt cẩn thận để luôn sáng, bóng, đẹp cùng thời gian.

Trong ngôn ngữ của Phong, Gazano không đánh giày. Họ đang “chăm sóc” giày da theo đúng cách làm của người châu Âu hàng trăm năm trước. Khác với các tiệm đánh giày, spa giày da đang hoạt động trên thị trường, nơi đa số tập trung vào khâu đánh xi, sơn phủ để tạo độ mới, Gazano tôn trọng tính nguyên bản và sự lão hóa của giày da theo thời gian.

“Một người chăm sóc giày da chuyên nghiệp cần hiểu rằng, không phải cứ mới là đẹp. Vẻ đẹp của giày da là vẻ đẹp bóng, khỏe theo từng mốc thời gian khác nhau. Để tôn hết vẻ đẹp ấy, người thợ cần hiểu tính nguyên bản, cái hồn, cái cốt của giày da, cần phải có niềm đam mê và sự tìm hiểu sâu sắc”, Nhà sáng lập sinh năm 1986 chia sẻ.

Kỹ sư công nghệ thông tin quyết tâm khởi nghiệp cùng giày da

Đinh Thanh Phong có 12 năm làm việc trong ngành công nghệ thông tin, với 3 lần chuyển việc. Lần cuối cùng, chính là lần anh quyết định rẽ hướng sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là chăm sóc giày da. “Cả 3 lần chuyển việc, tôi đều không biết tương lai mình sẽ đi về đâu, nhưng giác quan thứ sáu mách bảo tôi đã đến lúc cần chuyển”, anh nói.

Vốn là người làm việc văn phòng, Phong đã quen với những bộ đồ công sở và giày “tây”. Anh thích đi giày da, thích chăm sóc đôi giày, nhưng những người thợ đánh giày “chỉ làm mỗi việc là quẹt xi”. Để phục vụ đam mê của mình, anh phải tự mua các loại dụng cụ, đồ nghề và học cách chăm sóc giày da.

Ban đầu, Phong cũng “chân trong, chân ngoài”, ngày làm việc chuyên môn, tối lại nhận giày da của mọi người về chăm sóc. Sau đó, đến năm 2019, anh quyết định nghỉ hoàn toàn công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chỉ chuyên tâm vào những đôi giày da.

“Ngày trước, cứ nghĩ làm chủ là sướng. Bắt tay vào mới thấy, phải làm ngày, làm đêm, mỗi ngày mười mấy tiếng, không có thứ Bảy, Chủ nhật”, Phong bộc bạch.

Để có 2 cơ sở với 10 nhân viên như hiện tại, ông chủ Gazano đã trải qua quãng thời gian đầy khó khăn, vất vả. Anh từng phải làm thuê ở một số nơi để học thêm về kỹ thuật chuyên sâu trong ngành da. Cửa hàng Gazano cũng nhiều lần phải tạm dừng, chuyển địa điểm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Phong tâm sự, có lúc anh đã nghĩ đến việc từ bỏ. Đó là năm 2021, vợ anh mới sinh con, cửa hàng Gazano chuyển về một phòng trọ nhỏ ở quận Long Biên, đơn hàng hầu như không có. Anh xin việc ở cửa hàng chuyên bán giày của một thương hiệu Pháp, nhưng bị từ chối.

Trong lúc loay hoay tìm hướng đi, Phong tình cờ phát hiện làn sóng video ngắn trên TikTok. Tận dụng TikTok và TikTok Shop, anh tích cực sản xuất các video chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc giày da, đồng thời mở bán các bộ sản phẩm chăm sóc giày da. Kết quả ngoài sức tưởng tượng: kênh TikTok về giày da của Phong được đón nhận nhiệt tình. Đến nay, 90% khách hàng tìm đến Gazano thông qua các nội dung anh chia sẻ trên mạng xã hội.

Từ năm ngoái, ông chủ Gazano còn mở thêm các lớp dạy nghề chăm sóc giày da, do anh đích thân giảng dạy. Mỗi lớp gồm 4 - 6 học viên, học phí một khóa học (4 buổi) là 5 triệu đồng. Lớp học cũng là nơi để anh tìm kiếm nhân viên tốt cho Gazano. Phong nói, anh không thể tuyển những người thợ đánh giày “vỉa hè”, vì tư duy làm nghề của họ có sự khác biệt đáng kể với Gazano.

Từ mục tiêu ban đầu là dạy nghề, lớp học của Phong đón nhận hàng loạt học viên ở các ngành nghề, có điều kiện kinh tế khác nhau. Có người theo dõi từ khi anh bước chân vào ngành chăm sóc giày da, đến nay anh mở lớp, nên họ tìm đến. Có người là đầu bếp, nhân viên văn phòng, đang muốn tìm lối rẽ mới trong công việc. Cũng có không ít học viên là khách hàng có điều kiện, tìm đến lớp học như một sự trải nghiệm sâu hơn về quy trình chăm sóc giày da.

Đến nay, Phong đã dạy khoảng 16 khóa, với 40 học viên, trong đó chỉ có khoảng 15 người được anh cấp chứng nhận. “Nhiều người đùa rằng, kỳ thi trong lớp học của tôi còn căng thẳng hơn ngày xưa họ thi đại học”, Phong hài hước kể. Trong số các học viên tốt nghiệp đó, có 4 người vào làm tại Gazano, 2 người tự mở tiệm chăm sóc giày riêng.

Sau hơn 7 năm khởi nghiệp, Phong đã dần hoàn thiện hệ thống, quy trình của Gazano. Nửa năm gần đây, anh tập trung chủ yếu vào hoạt động quản lý, marketing, kiểm soát sổ sách và chỉ trực tiếp xử lý một vài “ca” khó, vượt quá tầm hiểu biết của nhân viên. Anh nói, những kiến thức trong ngành công nghệ thông tin giúp ích cho anh rất nhiều trong hành trình khởi nghiệp, đơn cử như cách chỉnh sửa video, tối ưu hóa công nghệ để điều hành, quản trị doanh nghiệp.

“Đến giờ, điều khiến tôi tự hào nhất là ngày ấy đã dũng cảm từ bỏ công ty cũ để theo đuổi đam mê của mình. Không phải ai cũng dám bỏ một công việc đang ổn định để chuyển sang một công việc mà mình chẳng biết tương lai như thế nào. Đồng nghiệp cũ của tôi giờ đã mua nhà, mua xe... Tôi chẳng có gì, nhưng tôi có sự tự do”, Phong nói.

Nhung Bùi

Tin khác