4 chỉ báo để biết bão lạm phát có đang trở lại Mỹ
Nhìn chung, giá tiêu dùng tại Mỹ đang trên đà hạ nhiệt. Nhưng các chiến lược gia tại ngân hàng Charles Schwab dự đoán con đường đi xuống của lạm phát sẽ khá “gập ghềnh”.
Trong một báo cáo mới đây, Charles Schwab đã đề cập đến một số áp lực trong nền kinh tế có thể cản trở quá trình thiểu phát (disinflation) và thúc đẩy giá cả tăng trở lại.
“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm, nhưng có một số rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, bao gồm các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự kiến trong những tháng gần đây và các đề xuất chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump”, báo cáo có đoạn.
Hiện tại, Fed vẫn đang đối mặt với một số trở ngại trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 10, phù hợp với dự báo nhưng nóng hơn mức tăng 2,4% của tháng trước.
Trong khi đó, khi còn trên đường tranh cử tổng thống, ông Trump tuyên bố sẽ tăng mạnh thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, cắt giảm thuế suất trong nước và trục xuất những người nhập cư trái phép khi nhậm chức.
Các chiến lược gia của Charles Schwab giải thích rằng thuế quan thường khiến giá cả tăng lên khi doanh nghiệp nhập khẩu chuyển phần chi phí bổ sung sang người tiêu dùng.
Kế hoạch hạ thuế suất trong nước có thể bơm thêm kích thích vào một nền kinh tế vốn đang tăng trưởng với tốc độ lành mạnh. Và các cải cách về nhập cư có thể kéo chi phí lao động đi lên.
Tổng thống đắc cử Trump phản đối những ý kiến cho rằng chính sách kinh tế của ông kích thích lạm phát. Ngược lại, ông hứa hẹn sẽ giảm chi phí sinh hoạt cho người Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai.
Động thái áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên không khiến lạm phát bùng nổ, nhưng các chuyên gia cảnh báo đề xuất lần này có phạm vi rộng hơn nhiều.
Trong báo cáo, các chiến lược gia của Charlie Schwab đã nêu ra 4 chỉ báo trên thị trường có thể cho nhà đầu tư biết liệu áp lực lạm phát có đang gia tăng hay không. 4 chỉ báo này bao gồm:
Chi phí lao động tăng
Chi phí lao động đã tăng tốc trong những tháng gần đây, các chiến lược gia lưu ý. Chi phí nhân công đơn vị (unit labor cost - tức chi phí lao động cần để sản xuất một đơn vị sản phẩm) tăng 3,4% so với cùng kỳ vào quý III, theo dữ liệu từ Fed.
Lương tăng thường thúc đẩy lạm phát đi lên, vì chúng làm tăng chi phí của doanh nghiệp và có thể buộc các công ty tăng giá bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Nếu lương và giá cả đều liên tục tăng lên, các nhà kinh tế gọi đó là vòng xoáy giá - lương.
“Còn quá sớm để kết luận liệu xu hướng tăng có tiếp tục hay không, nhưng nếu nguồn cung lao động bị hạn chế và cuối cùng gây áp lực lên tiền lương, chi phí lao động cao hơn có thể thúc đẩy lạm phát hơn nữa”, các chiến lược gia viết.
Mối quan hệ giữa cổ phiếu và trái phiếu
Cổ phiếu thường biến động ngược chiều với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, vì kỳ vọng lãi suất cao hơn sẽ được định giá vào thị trường trái phiếu và gây bất lợi cho cổ phiếu.
Tương quan trung bình động 120 ngày (rolling 120-day correlation) giữa chỉ số S&P 500 và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã quay trở lại mức dương. Điều này cho thấy cổ phiếu và lợi suất trái phiếu đang tăng cùng chiều khi các nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Các chiến lược gia của Charles Schwab cho biết nếu mối tương quan trở lại mức âm, điều đó có thể báo hiệu rằng các nhà đầu tư đang lo ngại về lạm phát trong nền kinh tế.
“Nếu mối tương quan trở lại mức âm... lạm phát sẽ một lần nữa là nguyên nhân chính gây rủi ro cho cổ phiếu”, báo cáo nêu ra. “Còn quá sớm để kết luận điều đó sẽ xảy ra, nhưng rủi ro này đáng để theo dõi khi thị trường bước sang năm 2025”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng
Lợi suất đã đi lên kể từ khi ông Trump chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã vượt 4,4% để leo mức cao nhất kể từ đầu tháng 7.
Đà tăng này cho thấy thị trường tài chính dự đoán lãi suất vẫn sẽ duy trì ở mức cao, là một dấu hiệu phản ánh nỗi lo của các nhà đầu tư về áp lực lạm phát trong tương lai.
“Lo ngại lạm phát tái diễn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến kể từ tháng 9 và khả năng chính sách tài khóa sẽ mở rộng là những động lực chính”, các chiến lược gia cho hay.
“Thị trường đang bắt đầu giảm bớt kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai nhằm phản ứng với những lo ngại về lạm phát”, họ lưu ý thêm.
Động lực kinh tế
Nền kinh tế Mỹ có vẻ đang tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư và đây là một yếu tố khác có thể thúc đẩy lạm phát.
Chỉ số Economic Surprise Index (tạm dịch là chỉ số bất ngờ về nền kinh tế) của Citigroup đã tăng vọt trong những tháng gần đây, từ mức gần -50 vào mùa hè lên hơn 40 trong tháng 11.
“Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn cho thấy Fed có thể sẽ không hạ lãi suất mạnh tay như những gì thị trường dự đoán vài tháng trước. Một yếu tố làm thay đổi đánh giá của Fed là khả năng lạm phát tăng cao hơn do các chính sách mà chính quyền tổng thống mới đề xuất”, các chiến lược gia nhấn mạnh.
Nhóm chuyên gia của Charles Schwab dự đoán Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong vài tháng tới nếu lạm phát tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên, mức độ và tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025 đã được điều chỉnh giảm so với một tháng trước.
Các nhà đầu tư cũng đã bắt đầu kiềm chế kỳ vọng của mình trong những tuần gần đây khi họ tiếp nhận chiến thắng của ông Trump và sẵn sàng cho một chương mới trong câu chuyện kinh tế Mỹ.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, tính đến ngày 19/11, xác suất Fed tạm dừng chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 12 tới là khoảng 40,9%, tăng so với tỷ lệ 14% một tháng trước.
Yên Khê